Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại tháng 2 với mức tăng 7,59% của VN-Index qua đó ghi nhận tháng thứ 4 tăng điểm liên tiếp. Chỉ số vượt kháng cự 1.250 điểm lên cao nhất 17 tháng. Kết quả này cũng đảo chiều so với tháng 2/2023 khi VN-Index giảm 7,78% từ 1.111 điểm về dưới mốc 1.025 điểm.

Cùng với động thái đi lên của VN-Index trong tháng thứ 4 liên tiếp (tăng 230 điểm), khối tự doanh công ty chứng khoán tiếp tục thực hiện hoạt động rút ròng trong 2 tháng đầu năm với tổng giá trị hơn 2.200 tỷ đồng trên sàn HoSE.

Trên HoSE, chỉ riêng tháng 2, khối tự doanh đã rút ròng 1.577 tỷ đồng qua kênh bán khớp lệnh - mức cao nhất sau 6 tháng. Ngoài ra, dòng tiền lớn này cũng bán 675 tỷ đồng qua kênh thỏa thuận.

Theo quan sát, hoạt động bán ròng nghìn tỷ diễn ra mạnh ở các cổ phiếu trong khi lực mua ròng tập trung ở các chứng chỉ quỹ nội (đối ứng với động thái cơ cấu từ khối ngoại.

Cụ thể, ccq E1VFVN30 và FUEVFVND được gom lần lượt lần lượt 477 tỷ và 458 tỷ đồng. Nhóm cổ phiếu chỉ có EVF được gom mạnh 243 tỷ đồng. Những mã còn lại như GEX - VIX, HCM, HSG, VRE, TCH được mua từ 30-60 tỷ đồng.

Ở chiều bán ra, việc nhóm cổ phiếu ngân hàng ghi nhận chuỗi tăng giá ấn tượng 20-50% chỉ sau 4 tháng đã thúc đẩy hoạt động bán chốt lời của khối tự doanh công ty chứng khoán. Theo đó, tổng giá trị bán ròng nhóm này ở mức 1.145 tỷ đồng. Cổ phiếu MBB bị bán mạnh nhất với giá trị hơn 191 tỷ đồng; nhóm EIB, TCB, ACB, VCB bị rút ròng dưới 50 tỷ.

Kế đến, khối tự doanh bán ròng nhóm bất động sản và bán lẻ với quy mô lần lượt là 560 tỷ đồng và 454 tỷ đồng. Lực bán ở nhóm vật liệu xây dựng là 292 tỷ và nhóm thép là 261 tỷ đồng.

Xét cụ thể, cổ phiếu NVL của Tập đoàn Novaland bị bán ròng mạnh nhất tháng 2 với 436 tỷ đồng. trong tháng, cổ phiếu bất động sản này tăng không đáng kể lên mức 17.100 đồng/cp qua đó tiếp tục duy trì trạng thái đi ngang kể từ nửa sau tháng 11/2023 tới nay.

Tự doanh chứng khoán 'mất kiên nhẫn' với cổ phiếu Novaland (NVL)?
Hơn 3 tháng qua, trạng thái đi ngang của cổ phiếu NVL chủ yếu đến từ sự hiện diện của các dòng tiền đầu tư/đầu cơ nhỏ lẻ

Trong bối cảnh giá tăng tích cực, hàng loạt cổ phiếu đầu ngành cũng chịu áp lực chót lời từ nhóm tự doanh chứng khoán như PNJ (181 tỷ đồng), MWG (49 tỷ đồng), PC1 (368 tỷ đồng), HPG (75 tỷ đồng) và SSI (74 tỷ đồng).