Báo cáo chuyên đề “Chuẩn bị cho kết quả đàm phán – Ngành Dệt may” của Trung tâm Phân tích, CTCP Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho thấy Việt Nam không chỉ giữ vững vị thế trong ngành dệt may toàn cầu, mà còn đang dần định hình lại bản đồ chuỗi cung ứng quốc tế trong bối cảnh hàng loạt đối thủ lớn như Trung Quốc, Bangladesh và Pakistan vấp phải những cú sốc chính trị – thương mại sâu sắc.
Các số liệu định lượng, chỉ số sản xuất và dự báo cổ phiếu đều cho thấy sự “dịch chuyển cấu trúc” không thể đảo ngược của đơn hàng dệt may về Việt Nam – một nơi hội tụ đủ ba yếu tố: ổn định chính trị, lợi thế FTA và nội lực sản xuất đang mở rộng.
Biến động địa chính trị: Đứt gãy chuỗi cung ứng Nam Á
Tình hình địa chính trị tại khu vực Nam Á trong 4 tháng đầu năm 2025 diễn biến căng thẳng. Cụ thể, theo Mirae Asset, các cuộc giao tranh bằng tên lửa và máy bay giữa Ấn Độ và Pakistan tại Kashmir làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng về khả năng leo thang thành xung đột toàn diện. Với cảng biển, lưới điện và đường cao tốc có thể trở thành mục tiêu quân sự, rủi ro gián đoạn logistics đang đặt ngành dệt may hai nước này vào thế bị động.
Bangladesh – dù đã nâng thị phần xuất khẩu hàng may mặc sang Mỹ lên 7,4% trong quý I/2025 – vẫn đang chìm trong vòng xoáy bất ổn chính trị với hàng loạt vụ bắt giữ và bạo lực đường phố. Đồng thời, tình trạng bất ổn tại Myanmar ở biên giới phía Đông cũng khiến tuyến đường logistics kết nối Bangladesh với ASEAN trở nên dễ đứt gãy.
Trong khi đó, Trung Quốc – nhà xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới – tiếp tục mất thị phần vào tay Việt Nam do bị kẹt giữa cuộc chiến thuế quan. Mặc dù Mỹ và Trung Quốc đã đạt thỏa thuận cắt giảm thuế 115% trong 90 ngày, nhưng theo Mirae Asset, khả năng các sản phẩm Trung Quốc giành lại thị phần là rất thấp vì xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và kiểm soát chặt chẽ lẩn tránh thuế vẫn tiếp tục diễn ra.
Đích đến mới của các đơn hàng chiến lược
Việt Nam ghi nhận xuất khẩu hàng may mặc trong 4 tháng đầu năm 2025 tăng 12,8% CK, đạt gần 12 tỷ USD. Riêng tháng 4 – cao điểm căng thẳng thuế quan – giá trị xuất khẩu tăng tới 17,7%, cho thấy đà bứt tốc rõ rệt. Không chỉ xuất khẩu, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ngành may mặc liên tục tăng trưởng, không có tháng nào suy giảm – điều rất hiếm gặp trong chu kỳ ngành.
![]() |
Dệt may Việt Nam giữ vững đà tăng trưởng và thị phần xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm. Nguồn: GSO, Thống kê các nước; Trung tâm Phân tích Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam. |
Bên cạnh đó, thị phần hàng may mặc Việt Nam vẫn giữ vững ở các thị trường trọng điểm: Mỹ 18,8%, Nhật Bản 18,7%, Hàn Quốc 30,4%. Điều này càng có ý nghĩa khi Bangladesh và Pakistan chưa ký FTA với Nhật và Hàn Quốc, còn Việt Nam được hưởng ưu đãi từ CPTPP, EVFTA, VKFTA và loạt FTA song phương. Ưu thế thuế quan tạo ra khoảng cách cạnh tranh lớn khi chi phí logistics và giá nguyên liệu vẫn neo cao toàn cầu.
Không dừng lại ở đó, nhập khẩu nguyên liệu vải – đầu vào chủ lực – tăng 8,5% so với cùng kỳ, phản ánh rõ nhu cầu đơn hàng tăng trưởng thực chất, không mang tính thời vụ. Cùng lúc, chỉ số lao động ngành dệt may cũng tăng theo, cho thấy xu hướng mở rộng sản xuất đang diễn ra đồng bộ tại các doanh nghiệp.
![]() |
Giá trị nhập khẩu nguyên liệu dệt may tăng trở lại sau giai đoạn điều chỉnh. Nguồn: Tổng cục Thống kê (GSO); Trung tâm Phân tích Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam. |
Thuế quan Mỹ và dư địa chính sách: Cơ hội đàm phán và thích nghi
Việt Nam đang là một trong sáu đối tác ưu tiên của Mỹ trong đàm phán thuế quan. Cuộc họp cấp cao ngày 7/5/2025 được Mirae Asset đánh giá là hiệu quả, tuy nhiên mức thuế cơ sở 10% vẫn rất khó thương lượng. Thặng dư thương mại hơn 123 tỷ USD với Mỹ và mức thuế nhập khẩu hàng Mỹ chỉ 9,4% khiến dư địa điều chỉnh chính sách là rất hẹp. Thêm vào đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở mức 79 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu trung bình tháng lên tới 34 tỷ USD, khiến việc gia tăng mua hàng Mỹ để trung hòa thương mại gần như không khả thi trong ngắn hạn.
Theo Mirae Asset, lối ra khả thi hơn là gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, đẩy mạnh FDI vào các khu công nghiệp dệt may và tận dụng tối đa thời gian hoãn áp thuế 90 ngày. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp duy trì xuất khẩu trong ngắn hạn mà còn định hình nền sản xuất có chiều sâu hơn trong dài hạn.
Doanh nghiệp dẫn sóng, cổ phiếu bứt phá
Trong bối cảnh chuyển dịch toàn cầu, các doanh nghiệp đầu ngành dệt may Việt Nam đang thể hiện sức bật rõ nét. CTCP May Sông Hồng (MSH) ghi nhận doanh thu quý I/2025 tăng 34,5% lên 1.036 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 82,8% lên 87,2 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng mạnh từ 12,4% lên 18,4%, với đơn hàng chủ lực từ Walmart, Nike, Target. Mirae Asset dự báo doanh thu cả năm đạt 5.500 tỷ đồng, LNST 455,7 tỷ đồng, định giá P/E dự phóng 9,2 lần và khuyến nghị nâng lên “Mua”.
TNG (CTCP Đầu tư và Thương mại TNG) cũng ghi nhận doanh thu quý I đạt 1.510 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ, LNST đạt 53,5 tỷ đồng. Với hơn 300 dây chuyền tại 18 chi nhánh, TNG được dự báo đạt 8.000 tỷ đồng doanh thu và 345,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2025, với P/E chỉ 7,2 lần. Mirae Asset đánh giá cao sự đa dạng khách hàng của TNG, giúp doanh nghiệp không phụ thuộc vào một thị trường đơn lẻ.
CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) là điểm sáng nổi bật nhất khi doanh thu quý I tăng 41,7% lên 376 tỷ đồng, lợi nhuận gộp tăng 142% lên 78 tỷ đồng nhờ nhà máy Unitex mới đưa vào vận hành. Dự kiến doanh thu năm 2025 đạt 2.806 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 319 tỷ đồng, gấp 25 lần so với năm trước, với P/E dự phóng 13,4 lần.
Tổng CTCP Phong Phú (PPH) ghi nhận doanh thu quý I tăng 20,5% lên 594,5 tỷ đồng, LNST đạt 113,3 tỷ đồng. Với vai trò là nhà cung cấp chỉ may cho Coats toàn cầu, PPH được kỳ vọng đạt 2.251 tỷ đồng doanh thu và 367 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, với P/E chỉ 5,9 lần.
Theo Trung tâm Phân tích Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, Việt Nam đang là “nơi trú ẩn an toàn” trong cơn bão chuỗi cung ứng toàn cầu. Không chỉ nhờ chính trị ổn định và mạng lưới FTA sâu rộng, mà còn bởi nội lực doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn chuyển hóa từ gia công sang tự chủ. Trong bối cảnh Trung Quốc và Nam Á lao đao, Việt Nam không chỉ là điểm đến thay thế, mà đang từng bước trở thành mắt xích chiến lược trong chuỗi giá trị dệt may toàn cầu hậu thuế quan.