Tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào tháng 3 vừa qua, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG), ông Lê Phước Vũ đã có những chia sẻ thẳng thắn về bối cảnh ngành thép trong thời gian tới.

Theo ông Vũ, năm 2025 tiếp tục là giai đoạn khó khăn khi các rào cản thương mại ngày càng siết chặt, cùng với đó là bất ổn địa chính trị. Đặc biệt sau khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ, các chính sách bảo hộ như "America First" (Nước Mỹ trên hết) có thể tiếp tục được đẩy mạnh, gây áp lực lên thương mại toàn cầu. Không chỉ gặp khó khăn tại Mỹ, thị trường châu Âu cũng gia tăng biện pháp siết chặt nhập khẩu với hạn ngạch chỉ khoảng 20.000 - 30.000 tấn mỗi tháng. Bên cạnh đó, Ấn Độ và Malaysia cũng đã khởi xướng các vụ kiện chống bán phá giá đối với thép Việt Nam, khiến hoạt động xuất khẩu càng thêm thách thức.

“Trong xu thế này, xuất khẩu là vấn đề khó với hầu hết doanh nghiệp trong trung hạn. Đây là vấn đề khá nghiêm trọng và với điều kiện khách quan như thế, chúng ta phải điều chỉnh chiến lược, chiến thuật để thích nghi. Tôi nói rõ luôn ngành tôn thép giỏi lắm chỉ đi ngang, xu thế chung là phải đi xuống”, Chủ tịch nhấn mạnh.

Trước những khó khăn bủa vây, các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, đặc biệt là Hoa Sen với tỷ trọng xuất khẩu lên đến 60%, đang phải đối mặt với không ít thách thức lớn. Với tuyên bố thẳng thắn “ngành tôn thép giỏi lắm chỉ đi ngang”, liệu doanh nghiệp của Chủ tịch Lê Phước Vũ có duy trì được vị thế dẫn đầu mảng tôn mạ trong thời gian tới?

Tuyên bố 'ngành thép giỏi lắm chỉ đi ngang', Hoa Sen (HSG) xoay xở thế nào để giữ vững vị thế dẫn đầu mảng tôn mạ?
Xuất khẩu ngành thép năm 2025 đối mặt với thách thức lớn khi các rào cản thương mại ngày càng siết chặt, cùng với tình hình bất ổn địa chính trị

Chiến lược “mua tận gốc, bán tận ngọn”

Ngay từ đầu, Hoa Sen đã lựa chọn cách đi riêng bằng việc loại bỏ khâu trung gian trong nhập khẩu nguyên liệu nhằm tối ưu chi phí, đồng thời phát triển mạng lưới phân phối rộng khắp để đưa sản phẩm chất lượng cao đến tận tay người tiêu dùng với mức giá cạnh tranh.

Chiến lược “mua tận gốc, bán tận ngọn” không chỉ giúp Hoa Sen nâng cao năng lực cạnh tranh tại thị trường nội địa, mà còn tạo lợi thế đáng kể khi vươn ra quốc tế. Để hoàn thiện mô hình này, từ năm 2006, doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nhà máy cán nguội, tạo tiền đề chủ động nguồn nguyên liệu, giảm sự lệ thuộc từ bên ngoài và đồng thời gia tăng biên lợi nhuận đáng kể.

Hiện tại, Hoa Sen sở hữu hệ thống 10 nhà máy trải dài từ Bắc vào Nam cùng mạng lưới hơn 500 chi nhánh bán lẻ, được vận hành trên nền tảng quản trị hiện đại và hệ thống ERP. Mô hình này giúp doanh nghiệp vừa kiểm soát chất lượng, vừa đưa sản phẩm nhanh chóng ra thị trường với mức chi phí tối ưu.

Đẩy mạnh chiến lược “Bắc tiến”

Việc liên tục mở rộng hệ thống phân phối nội địa giúp HSG chiếm lĩnh vị trí số 1 thị phần tôn mạ và đứng thứ 2 trong ngành ống thép. Trong năm tài chính 2024 (1/10/2023 - 30/9/2024), Hoa Sen ghi nhận mức tăng trưởng tích cực về thị phần tiêu thụ tôn mạ và ống thép, lần lượt đạt 26% và 16,8%, nhờ chiến lược mở rộng ra thị trường miền Bắc thay vì chỉ tập trung vào khu vực phía Nam.

Theo nhận định của Chứng khoán NH Việt Nam, việc đẩy mạnh thị trường nội địa của Hoa Sen là hợp lý, đặc biệt trong bối cảnh giá trị nhập khẩu sắt thép từ Trung Quốc tăng mạnh 32,2% trong năm 2024. Riêng quý I năm tài chính 2025 (1/10 - 31/12/2024), sản lượng tiêu thụ tôn mạ của HSG đạt gần 395 nghìn tấn, tăng 9,5% so với cùng kỳ với tỷ trọng phân phối 3 miền Bắc - Trung - Nam lần lượt là 48% - 9,9% - 42,1%.

Tuyên bố 'ngành thép giỏi lắm chỉ đi ngang', Hoa Sen (HSG) xoay xở thế nào để giữ vững vị thế dẫn đầu mảng tôn mạ?
Hoa Sen tăng tốc mở rộng thị trường miền Bắc (Ảnh: Chứng khoán NH Việt Nam)

Tích trữ hàng tồn kho giá rẻ

Giống như nhiều doanh nghiệp trong ngành, HSG có xu hướng tích trữ thép cuộn cán nóng (HRC) - nguyên liệu đầu vào chính sản xuất tôn mạ trong khoảng 2 - 3 tháng, do đó giá trị hàng tồn kho có ảnh hưởng đáng kể đến biên lợi nhuận gộp theo từng quý.

Từ quý II năm tài chính 2024 (bắt đầu từ 1/1/2024), giá HRC đã giảm hơn 20%, qua đó cải thiện biên lợi nhuận của doanh nghiệp. Nắm bắt cơ hội này, trong quý I năm tài chính 2025, Hoa Sen tiếp tục gia tăng dự trữ nguyên liệu, thể hiện qua mức tăng 14,7% về giá trị hàng tồn kho so với quý trước.

Chứng khoán NH Việt Nam nhận định, biên lợi nhuận gộp của HSG trong năm tài chính 2025 sẽ cải thiện lên mức trung bình 11 - 12%, nhờ vào 3 yếu tố chính: (1) tích trữ hàng tồn kho giá thấp, (2) chênh lệch giá mua - bán tiếp tục có lợi và (3) hoàn nhập một phần dự phòng hàng tồn kho khi kỳ vọng giá bán thành phẩm phục hồi nhẹ trong năm tới.

Tuyên bố 'ngành thép giỏi lắm chỉ đi ngang', Hoa Sen (HSG) xoay xở thế nào để giữ vững vị thế dẫn đầu mảng tôn mạ?
Ảnh: Chứng khoán NH Việt Nam

Trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động, Hoa Sen đang từng bước củng cố nội lực, nâng cao hiệu quả hoạt động và thích ứng linh hoạt với xu hướng bảo hộ thương mại toàn cầu. Việc duy trì chiến lược kinh doanh riêng biệt, kiểm soát tốt chi phí và mở rộng mạng lưới phân phối sẽ tiếp tục là nền tảng giúp doanh nghiệp giữ vững vị thế dẫn đầu ngành tôn mạ Việt Nam, đồng thời tạo đà để bứt phá khi thị trường hồi phục.