Trong buổi tiếp đón hơn 200 nhà đầu tư tại khu liên hợp Hoà Phát Dung Quất ngày 26/3, ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoà Phát (Mã HPG - HoSE) đã trả lời nhiều câu hỏi từ các nhà đầu tư trong đó có vấn đề "làm thế nào để đối phó với thép giá rẻ từ Trung Quốc"?

Ông Thắng chia sẻ, việc cạnh tranh với thép Trung Quốc đã là một ưu tiên hàng đầu của Hoà Phát từ những ngày đầu làm thép bởi đây là quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới với khoảng 1 tỷ tấn thép mỗi năm. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc cũng là quốc gia tiêu thụ nhiều thép nhất trên thế giới.

'Tuyên chiến' với thép Trung Quốc, lãnh đạo Hòa Phát (HPG) thông tin quan trọng về biên lợi nhuận gộp dự kiến
Ban lãnh đạo Hòa Phát giải đáp các thắc mắc của nhà đầu tư

Theo ông Thắng, trước đây, khi Trung Quốc đang trong giai đoạn tăng trưởng 7-8% mỗi năm, họ cũng tiêu thụ lượng lớn thép và chỉ xuất khẩu ra nước ngoài một lượng nhỏ. Nhưng tình hình đã thay đổi từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Trong 3 năm qua, kinh tế Trung Quốc đã chậm lại đáng kể, đặc biệt là trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản.

"Tình trạng này dẫn đến sự dư thừa lớn về thép và các doanh nghiệp phải xuất khẩu nhiều hơn. Sự cạnh tranh do đó trở nên khốc liệt hơn," ông Thắng chia sẻ.

Áp lực cạnh tranh với thép Trung Quốc đã trở nên rõ ràng hơn trong thời gian gần đây. Trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 1.8 triệu tấn sắt thép từ Trung Quốc, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ và chiếm 70% tổng lượng nhập khẩu sắt thép.

Tuy nhiên, nhờ luôn chú trọng tới giá thành sản xuất, ông Thắng tự tin rằng Hoà Phát hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với thép Trung Quốc. "Với cơ cấu nguyên liệu toàn cầu, thép của Hoà Phát có thể hoàn toàn cạnh tranh với thép Trung Quốc", ông Thắng chia sẻ.

Dù tự tin có thể cạnh tranh mạnh mẽ với Trung Quốc song lãnh đạo của Hoà Phát cũng bày tỏ lo ngại về sự cạnh tranh không lành mạnh trong đó có câu chuyện phá giá, bán dưới giá thành.

"Khi Trung Quốc dư cung quá lớn, doanh nghiệp chấp nhận bán lỗ. Rất nhiều doanh nghiệp thép Trung Quốc thua lỗ trong năm ngoái; họ chấp nhận bán dưới giá thành để đảm bảo đưa được sản phẩm ra ngoài. Về tổng thể, với các công ty thép lớn của Trung Quốc hoạt động một cách nghiêm túc, Hoà Phát vẫn tự tin về khả năng cạnh tranh. Chúng tôi chỉ phản đối trong những trường hợp cạnh tranh không lành mạnh", vị lãnh đạo Hòa Phát nhấn mạnh.

Vì thế, Hoà Phát đã cùng với Formosa đã gửi hồ sơ đề xuất áp thuế chống bán phá giá với thép HRC từ Trung Quốc vào ngày 19/3.

Lãnh đạo Hòa Phát bật mí về biên lợi nhuận

'Tuyên chiến' với thép Trung Quốc, lãnh đạo Hòa Phát (HPG) thông tin quan trọng về biên lợi nhuận gộp dự kiến
Thép Trung Quốc đang ồ ạt vào thị trường Việt Nam

Ông Thắng nhấn mạnh thông tin đáng chú ý về kịch bản Trung Quốc tăng trưởng yếu hơn dự báo có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của Tập đoàn. "Trong 1-2 năm tới, chúng ta không thể biết chắc được. Có khả năng kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3-4% với tình hình bất động sản tiếp tục gặp khó khăn. Kịch bản này sẽ dẫn tới ngành thép Trung Quốc càng đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài, làm tăng mức cạnh tranh và ảnh hưởng tới biên lợi nhuận của Hoà Phát.

Trong trường hợp đó, chúng ta phải bắt buộc cạnh tranh và chắc chắn sẽ ảnh hưởng với biên lợi nhuận của Hoà Phát. Nếu Trung Quốc tiếp tục xuất khẩu ra thế giới, chúng tôi tự tin HPG có thể cạnh tranh được song biên lợi nhuận sẽ phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh", ông cho biết.

Tại báo cáo tài chính kiểm toán 2023, Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận doanh thu gần 119.000 tỷ đồng, lợi nhuận gộp hơn 12.900 tỷ (đều giảm mạnh so với năm trước đó); biên lãi gộp đạt 10,87%.

'Tuyên chiến' với thép Trung Quốc, lãnh đạo Hòa Phát (HPG) thông tin quan trọng về biên lợi nhuận gộp dự kiến

Lợi nhuận sau thuế giảm từ mức 8.444 tỷ đồng của năm 2022 còn 6.800 tỷ. Dù vậy, Hòa Phát đã ghi nhận 4 quý tăng trưởng lợi nhuận liên tiếp và là đại diện duy nhất thuộc ngành thép làm được điều này sau biến cố kinh doanh thua lỗ hồi nửa cuối năm 2022.