Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), nội tại kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định tương đối, chủ yếu nhờ cán cân thương mại dương, chính sách tiền tệ điều hành linh hoạt và sự phục hồi dần của khu vực doanh nghiệp niêm yết.
Mirae Asset nhận định: “Ba kênh dẫn truyền chính là tỷ giá, trái phiếu và chứng khoán đang cùng hội tụ những tín hiệu ổn định trở lại”. Đây là dấu hiệu cho thấy chính sách vĩ mô trong nước đang phối hợp khá hiệu quả để ứng phó với rủi ro bên ngoài, duy trì ổn định hệ thống tài chính và tạo nền tảng cho giai đoạn tái định vị tăng trưởng trong nửa cuối năm 2025.
Tỷ giá: Ổn định trong vùng dao động hợp lý nhờ điều hành linh hoạt
Tính đến cuối tháng 4/2025, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố đạt 24.258 VND/USD, tăng 1,18% so với đầu năm. Trong khi đó, tỷ giá liên ngân hàng ghi nhận mức 25.642 VND/USD, tương đương mức tăng 2,93% tính từ đầu năm, còn tỷ giá tự do dao động trong khoảng 26.000 – 26.200 VND/USD, tăng 3,71%. Diễn biến tỷ giá cho thấy tâm lý phòng ngừa rủi ro của thị trường đang gia tăng, trong bối cảnh môi trường toàn cầu xuất hiện nhiều yếu tố bất định mới, bất chấp việc chỉ số DXY đã giảm nhanh trong tháng 4.
![]() |
Diễn biến tỷ giá USD/VND – DXY và lãi suất liên ngân hàng đến tháng 4/2025. Nguồn: Phòng phân tích Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam tổng hợp. |
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam: “Tâm lý phòng ngừa rủi ro tỷ giá tiếp tục hiện hữu khi thị trường vẫn đối mặt với nhiều bất định”. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động sử dụng nghiệp vụ thị trường mở (OMO) với quy mô lớn trong tháng 4/2025 để điều tiết thanh khoản hệ thống. Cụ thể, cơ quan điều hành đã bơm ròng khoảng 220.000 tỷ đồng qua kênh OMO, từ đó góp phần ổn định mặt bằng lãi suất VND và hỗ trợ tỷ giá ngắn hạn.
Dù mức chênh lệch lãi suất giữa VND và USD có xu hướng thu hẹp, Mirae Asset nhận định rằng điều này “vẫn chưa tạo ra áp lực đầu cơ lớn” do thanh khoản hệ thống dồi dào và dòng vốn thương mại – đầu tư vẫn đang duy trì tích cực. Trên cơ sở đó, MASVN đưa ra dự báo: “Tỷ giá USD/VND sẽ dao động trong vùng 26.200 – 26.500 nếu không có cú sốc từ bên ngoài”.
Trái phiếu: Lợi suất định hình lại, doanh nghiệp chủ động cơ cấu vốn
Thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) tiếp tục khởi sắc trong tháng 4/2025. Tổng giá trị phát hành tháng này đạt khoảng 44.000 tỷ đồng, nâng lũy kế 4 tháng lên 142.200 tỷ đồng – tương đương 67% kế hoạch cả năm. Theo Mirae Asset: “Đây là tốc độ phát hành nhanh nhất trong nhiều năm trở lại đây”.
Về kỳ hạn, cơ cấu phát hành chủ yếu tập trung vào trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 15 năm. Lợi suất trúng thầu trong tháng 4 có xu hướng tăng, phản ánh sự điều chỉnh kỳ vọng rủi ro của nhà đầu tư trước biến động từ thương mại toàn cầu và chính sách lãi suất của Fed. Cụ thể, lợi suất bình quân kỳ hạn 5 năm tăng 8 điểm cơ bản lên 2,23%; kỳ hạn 10 năm tăng 4 điểm lên 3%; kỳ hạn 15 năm tăng 7 điểm lên 3,09%; và kỳ hạn 30 năm đạt 3,28%.
![]() |
Diễn biến lợi suất trái phiếu Chính phủ trên thị trường sơ cấp và thứ cấp đến tháng 4/2025. Nguồn: Phòng phân tích Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam tổng hợp. |
Trên thị trường thứ cấp, lợi suất TPCP cũng có xu hướng nhích lên ở tất cả các kỳ hạn, góp phần tái định hình đường cong lợi suất theo hướng lành mạnh hơn, phù hợp với tín hiệu phục hồi của thị trường tài chính và kỳ vọng kiểm soát rủi ro vĩ mô.
Ở phân khúc trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), tháng 4/2025 ghi nhận tổng giá trị phát hành đạt 27.300 tỷ đồng, tăng 40,7% so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn giá trị phát hành đến từ các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bất động sản lớn.
![]() |
Danh sách trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong tháng 4/2025 theo công bố thị trường. Nguồn: Phòng phân tích Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam tổng hợp. |
Mirae Asset nhận định: “Sự gia tăng phát hành và tái cấu trúc danh mục nợ là biện pháp chủ động của doanh nghiệp nhằm giảm áp lực đáo hạn và nâng cao tính minh bạch bảng cân đối kế toán”.
Tuy nhiên, áp lực đáo hạn TPDN vẫn dồn vào các mốc cao điểm như tháng 8/2025, 12/2025 và 7/2027, chủ yếu rơi vào nhóm bất động sản và tổ chức tín dụng. Đây sẽ là thách thức lớn về quản trị thanh khoản và dòng tiền trong các quý tới.
| ||
Chứng khoán: Hồi phục từ đáy, tín hiệu định giá tích cực
Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua biến động mạnh trong tháng 4/2025, với VN-Index giảm sâu khoảng 18,5% trong giai đoạn 2–9/4 sau thông tin Mỹ công bố thuế đối ứng, trước khi tìm được điểm hỗ trợ quanh mốc 1.100 điểm nhờ quyết định tạm hoãn áp thuế. Kết thúc tháng 4, VN-Index đạt 1.226,3 điểm, giảm 6,16% so với cuối tháng 3, chủ yếu do áp lực điều chỉnh từ nhóm cổ phiếu ngân hàng.
![]() |
Tổng quan diễn biến các ngành trên VN-Index trong tháng 4/2025. Nguồn: Phòng phân tích Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam tổng hợp. |
Giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trên HOSE tăng 20,3% so với tháng trước, lên 21.800 tỷ đồng, nhờ lực mua tích cực của nhà đầu tư cá nhân trong nước. Ngược lại, khối ngoại và tổ chức trong nước lần lượt bán ròng 13.000 tỷ và 9.000 tỷ đồng, trong khi các quỹ ETF cũng rút ròng khoảng 2.500 tỷ đồng.
Một tín hiệu tích cực khác đến từ dư nợ cho vay ký quỹ toàn thị trường đạt 273.000 tỷ đồng cuối quý I/2025, tăng 12,35% so với quý trước, phản ánh tâm lý nhà đầu tư dần ổn định và quay lại thị trường. Dù vậy, mức này vẫn chỉ tương đương 91% vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh trước đó – cho thấy rủi ro hệ thống vẫn trong tầm kiểm soát.
Đáng chú ý, lợi nhuận ròng quý I/2025 của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE tăng 18% so với cùng kỳ, trong đó nhóm bất động sản tăng 101% và bán lẻ tăng 60%, tạo nền tảng củng cố định giá thị trường. Đồng thời, hệ thống giao dịch mới KRX chính thức đi vào vận hành từ ngày 5/5 được kỳ vọng là chất xúc tác quan trọng thúc đẩy tiến trình nâng hạng thị trường trong thời gian tới
Theo nhận định của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào tháng 5 trong trạng thái “cân bằng tương đối”, được nâng đỡ bởi ba yếu tố then chốt gồm: nền tảng vĩ mô ổn định, chính sách điều hành linh hoạt và triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp tích cực. Dù đối mặt với nhiều bất định từ môi trường quốc tế, nội lực của thị trường vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục củng cố.
Tổng kết lại triển vọng chung, MASVN đánh giá: “Ba trụ cột gồm tỷ giá – trái phiếu – chứng khoán không chỉ đang duy trì trạng thái ổn định, mà còn đồng thời phát đi các tín hiệu tích cực trong bối cảnh toàn cầu còn nhiều biến động”. Chính sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, cùng với khả năng thích nghi của cộng đồng doanh nghiệp, sẽ tiếp tục là bệ đỡ để kinh tế Việt Nam vượt qua thách thức và hướng đến giai đoạn phục hồi bền vững hơn trong nửa cuối năm 2025.