Xanh SM và V-GREEN giúp giảm hơn 565.000 tấn CO2 sau 2 năm
Ngày 23/4/2025, chia sẻ tại Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề "Chiến lược phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới", bà Phan Thị Hồng Dung - Phó Tổng Giám đốc CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM (Xanh SM - công ty do tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập) cho biết, ESG là những tiêu chí đã được hình thành, đặt ra cho doanh nghiệp và được chứng minh hiệu quả trên toàn thế giới.
![]() |
Bà Phan Thị Hồng Dung - Phó Tổng Giám đốc GSM chia sẻ tại diễn đàn (Ảnh: Báo Dân trí) |
Sau 2 năm ra đời, Xanh SM đã đạt 300 triệu chuyến xe và mang lại việc làm cho 100.000 tài xế. Công ty này đã giúp giảm hơn 211.000 tấn CO2. Khi Xanh SM ra đời, doanh nghiệp đã xác định những điểm khác biệt như xe điện độc đáo, dịch vụ 5 sao.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải sau khi chuyển sang xe điện đã giảm 40% chi phí nhiên liệu, giảm 40% chi phí bảo dưỡng. Đồng thời, Xanh SM đến nay đã là doanh nghiệp vận tải hàng đầu Việt Nam và có mặt tại Lào, Indonesia…
Bà Dung cho biết, hiện nay đã có hơn 100 doanh nghiệp tham gia vào Liên minh Xanh Việt Nam. Xanh SM không chỉ tạo ra công việc, thu nhập mà còn đang đóng góp vào sự phát triển bền vững. Đối với Xanh SM, ESG không còn là khẩu hiệu.
Còn theo số liệu được công bố mới đây của Công ty Phát triển Trạm sạc Toàn cầu V-GREEN (do tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập), từ ngày 1/5/2023 đến 14/4/2025, hệ thống trạm sạc V-GREEN đã cung cấp hơn 537 triệu kWh điện cho hàng triệu lượt xe điện tại Việt Nam.
Theo tính toán dựa trên dữ liệu từ Cục Biến đổi Khí hậu – Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi tấn CO2 giảm phát tương đương với khả năng hấp thụ của 50 cây xanh mỗi năm. Từ đó, có thể thấy rằng lượng điện đã được sạc qua hệ thống V-GREEN tương đương với việc giảm phát thải 354.000 tấn CO2 – hay nói cách khác, có tác dụng bằng 17,7 triệu cây xanh hoạt động trong suốt một năm.
![]() |
Trạm sạc của V-GREEN đã giúp giảm hơn 354.000 tấn CO2 (Ảnh: Facebook V-GREEN) |
Thậm chí, nếu tính cả phần phát sinh trong tháng 4/2025, con số này có thể tương đương với 20 triệu cây xanh. Để hình dung rõ hơn giá trị của việc giảm phát thải này, V-GREEN đã đưa ra những phép so sánh gần gũi:
- 177.000 chuyến bay khứ hồi Hà Nội – New York: Một chuyến bay loại này phát thải khoảng 2 tấn CO2 mỗi người.
- 80.500 ô tô xăng: Nếu một xe phát thải 4,4 tấn CO2 mỗi năm, thì lượng giảm phát từ xe điện qua V-GREEN tương đương với việc loại bỏ toàn bộ ô tô xăng ở một thành phố như Đà Lạt trong một năm.
- 150 triệu lít xăng: Với mỗi lít xăng thải ra khoảng 2,3 kg CO2, thì lượng CO2 tránh được thông qua sử dụng xe điện tương đương với việc dừng đốt hơn 150 triệu lít xăng.
Với việc đầu tư bài bản và vận hành hệ thống theo chuẩn quốc tế, V-GREEN không chỉ góp phần thúc đẩy tỷ lệ xe điện hóa tại Việt Nam mà còn mở ra khả năng tham gia thị trường tín chỉ carbon – một trong những cơ chế tài chính quan trọng của tương lai xanh.
Đáng chú ý, ngày 21/1 vừa qua, V-GREEN đã ký thỏa thuận hợp tác với công ty năng lượng xanh eTreego (Đài Loan) về việc phát triển mạng lưới trạm sạc xe điện VinFast. V-GREEN cho biết, một trong các mục tiêu chính của thỏa thuận là thúc đẩy các sáng kiến chuyển đổi xanh, bao gồm việc xây dựng đề án chứng nhận tín chỉ carbon cho hệ thống trạm sạc.
Có thể thấy, Tập đoàn Vingroup (VIC) đang xây dựng một hệ sinh thái xanh khép kín. Từ sản xuất xe (VinFast), phát triển hạ tầng sạc (V-GREEN), đến vận hành dịch vụ di chuyển không phát thải (GSM – taxi điện, VinBus – xe buýt điện), tập đoàn này đang cho thấy cách một doanh nghiệp tư nhân có thể đóng vai trò trung tâm trong công cuộc chuyển đổi năng lượng quốc gia.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Tập đoàn Vingroup, ở phiên thảo luận, một cổ đông đã đặt câu hỏi: "VinFast hiện thu chủ yếu từ việc bán xe, nhưng theo tôi được biết thì tín chỉ carbon cũng tạo ra nguồn thu. VinFast giảm thải được rất nhiều carbon, hiện VinFast đã làm hồ sơ pháp lý gì để phát hành tín chỉ carbon trong thời gian tới?".
Giải đáp vấn đề này, ông Phạm Nhật Vượng thông tin: "Chúng tôi đã thành lập tổ công tác để thúc đẩy việc bán tín chỉ carbon không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác".
Thị trường tín chỉ carbon – “mỏ vàng” hàng tỷ USD
Theo báo cáo tài chính năm 2024, việc bán tín chỉ carbon đã mang về 2,76 tỷ USD cho Tesla, tăng 54% so với năm 2023. Mức tăng này báo hiệu nhu cầu liên tục đối với loại hàng hóa này trong bối cảnh các nhà sản xuất xe xăng đang vật lộn để đáp ứng quy định khí thải ngày càng siết chặt.
![]() |
Tesla thu về hàng tỷ USD mỗi năm nhờ bán tín chỉ carbon (Ảnh minh họa) |
Trong số 10 hãng xe lớn nhất thế giới (trừ Tesla), có đến 9 nhà sản xuất không đạt tiêu chuẩn khí thải, theo chuyên trang Carbon Credits. BMW, Kia, Stellantis cần cắt giảm từ 9–11%, trong khi Volkswagen và Ford có mức chênh lệch cao nhất, lên đến 21%.
Trong khi các nhà sản xuất xe xăng, hybrid phải mua tín chỉ carbon để bù trừ lượng phát thải, Tesla lại thu lợi từ việc bán xe không phát thải với biên lợi nhuận tối đa do không tốn chi phí sản xuất. Kể từ năm 2017, tổng thu nhập của Tesla từ giao dịch tín chỉ carbon đã vượt 10,4 tỷ USD.
Tín chỉ carbon không ảnh hưởng trực tiếp đến người mua ô tô, nhưng là công cụ quan trọng giúp các “ông lớn” ngành xe tuân thủ quy định khí thải.
Đáng chú ý, đầu năm 2025, Chính phủ đã phê duyệt Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, yêu cầu vận hành thí điểm sàn giao dịch carbon trong nước từ tháng 6 năm nay đến hết năm 2028, trước khi chính thức đi vào hoạt động từ năm 2029.
Thị trường tín chỉ carbon đang mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt trong hành trình hướng tới phát triển bền vững và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Với tiềm năng hàng trăm tới hàng tỷ USD mỗi năm, tín chỉ carbon không chỉ là công cụ môi trường mà còn là nguồn thu hấp dẫn trong tương lai.