Trong bối cảnh chính sách thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump gây chấn động thị trường, vàng đang trở lại mạnh mẽ như một tài sản trú ẩn an toàn được ưa chuộng, trong khi những công cụ truyền thống như trái phiếu chính phủ Mỹ và đồng USD lại liên tục bị bán tháo.
Theo ông Vivek Dhar, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa tại Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia, điều đặc biệt của đợt "chạy vào vàng" lần này là việc cả USD và trái phiếu Mỹ – vốn là hai trụ cột an toàn của hệ thống tài chính toàn cầu – lại mất đi sức hấp dẫn. "Vàng đang bước vào khoảng trống mà các tài sản Mỹ để lại", ông Dhar nhận định.
Giá vàng giao ngay đã tăng vọt, chạm mốc 3.500 USD/ounce vào thứ Ba tuần qua và được dự báo tiếp tục leo thang. J.P. Morgan dự báo giá vàng sẽ đạt trung bình 3.675 USD/ounce trong quý IV/2025 và có thể lên đến 4.000 USD vào giữa năm 2026.
Trái ngược với đà tăng của vàng, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ lại biến động mạnh. Chỉ một tuần sau khi ông Trump công bố các mức thuế đối ứng mới, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm đã tăng hơn 30 điểm cơ bản – mức tăng đột biến trong thời gian ngắn. Trong khi đó, chỉ số USD đã giảm khoảng 8% từ đầu năm, theo dữ liệu từ LSEG. Sự suy yếu của đồng bạc xanh đã góp phần thúc đẩy giá vàng tăng, do vàng được định giá bằng USD và trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư quốc tế.
Dù sau đó USD có phục hồi nhẹ khi ông Trump tạm thời rút lại bình luận về việc sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell, niềm tin vào các tài sản tài chính của Mỹ đã phần nào bị lung lay. "Đây chưa phải là ‘cái chết’ của đồng USD, nhưng rõ ràng vị thế của đồng tiền này và trái phiếu Mỹ đang bị thách thức", ông John Reade, chiến lược gia thị trường của Hội đồng Vàng Thế giới nhận xét.
![]() |
Biểu đồ giá vàng và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm. (Ảnh: Dữ liệu từ Trading Economics và FRED) |
Thông thường, lợi suất trái phiếu tăng sẽ làm giảm sức hấp dẫn của vàng do chi phí cơ hội nắm giữ vàng – một tài sản không sinh lãi – trở nên cao hơn. Tuy nhiên, mối quan hệ này hiện đang “gãy nhịp”. Nguyên nhân là do kỳ vọng lạm phát tăng lên sau các chính sách thuế mới, làm lợi suất thực tế thấp đi, trong khi vàng lại được xem là công cụ phòng hộ hiệu quả trước lạm phát.
Ông Michael Ryan, giảng viên tài chính tại Đại học Waikato, cho rằng chính yếu tố "phòng vệ lạm phát" đã khiến vàng trở nên “đặc biệt” trong bối cảnh hiện nay. "Niềm tin vào sự vượt trội của nền kinh tế Mỹ đang suy giảm, cùng với những bất ổn địa chính trị, khiến giới đầu tư chuyển sang vàng như một nơi trú ẩn phi chính sách tiền tệ", ông nói thêm.
Không giống như đồng tiền hay trái phiếu chính phủ – vốn gắn liền với tín nhiệm quốc gia – vàng không mang rủi ro tín dụng và không phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào. Điều này càng khiến vàng trở nên hấp dẫn trong thời điểm niềm tin vào các công cụ truyền thống đang suy yếu.
Một xu hướng đáng chú ý là các ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi – vốn nắm giữ ít vàng hơn các nước phát triển – đang tích cực mua vào để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối và giảm phụ thuộc vào đồng USD. Theo ông Eli Lee, chiến lược gia trưởng của Ngân hàng Singapore, xu hướng "phi đô la hóa" (de-dollarization) đang diễn ra âm thầm nhưng rõ ràng.
Việc Mỹ từng đóng băng tài sản ngoại tệ của một số quốc gia không tuân thủ chính sách của mình cũng khiến nhiều quốc gia nhận ra rằng vàng là “tấm lá chắn” hữu hiệu trong thời kỳ bất ổn địa chính trị. Tuy nhiên, theo ông Dhar, dù vàng có thể hưởng lợi trong ngắn hạn, viễn cảnh thay thế USD hay trái phiếu Mỹ vẫn là điều rất xa vời, bởi vàng không sinh lãi, chi phí lưu trữ cao và thị trường trái phiếu Mỹ vẫn là thị trường thanh khoản nhất thế giới.
Ông Todd Brighton, giám đốc danh mục đầu tư tại Franklin Income Investors, kết luận: "Việc thay thế trái phiếu chính phủ Mỹ như một tài sản trú ẩn sẽ không thể xảy ra trong một sớm một chiều, ngay cả khi thế giới đang dần bước vào thời kỳ đa cực".
Theo CNBC