Giá vàng lập đỉnh lịch sử: Tài sản trú ẩn an toàn hay bong bóng sắp vỡ?
Giá vàng đã tăng hơn 40% trong vòng một năm, lập đỉnh lịch sử vượt 3.500 USD/ounce. Nhà đầu tư đổ xô mua vàng vật chất, nhưng liệu mức giá hiện tại có thực sự bền vững?
Tại một cửa hàng kinh doanh vàng lâu đời ở Hatton Garden (London), Emma Siebenborn – Giám đốc chiến lược của Hatton Garden Metals – chỉ vào một hộp nhựa cũ kỹ chứa đầy đồ trang sức đã qua sử dụng: nhẫn, vòng, dây chuyền, bông tai lẻ... và cho biết chúng trị giá khoảng 250.000 bảng Anh. Mặc dù nhìn có vẻ tầm thường, đây chính là “vàng vụn” được mua vào hàng ngày để đem đi nấu lại và tái chế.
Trên bàn, bên cạnh những món đồ cũ kỹ ấy là những thỏi vàng tinh xảo được bày trong khay lót nhung: những đồng xu vàng Britannia nặng một ounce, những đồng Sovereign nhỏ hơn và một thỏi vàng 1kg – trị giá tới 80.000 bảng.
“Chưa bao giờ chúng tôi thấy thị trường sôi động như vậy”, Zoe Lyons – Giám đốc điều hành công ty và là chị gái của Emma – chia sẻ. “Có những lúc khách xếp hàng dài ngoài phố để bán hoặc mua vàng. Vừa háo hức, vừa lo lắng – và chính cảm xúc đó đã tạo nên những giao dịch rất lớn”.
Tại một cửa hiệu khác cách đó vài con phố, nhân viên bán hàng tại MNR Jewellers cũng xác nhận: “Nhu cầu vàng đang tăng rõ rệt”.
![]() |
Trong tháng 4, giá vàng đã lần đầu tiên vượt mốc 3.500 USD/ounce – mức cao nhất từng được ghi nhận, kể cả sau khi điều chỉnh theo lạm phát. (Ảnh: BBC) |
Trong tháng 4, giá vàng đã lần đầu tiên vượt mốc 3.500 USD/ounce – mức cao nhất từng được ghi nhận, kể cả sau khi điều chỉnh theo lạm phát. Mức đỉnh trước đó được thiết lập vào tháng 1/1980 ở mức 850 USD, tương đương khoảng 3.493 USD tính theo giá trị hiện nay.
Các nhà kinh tế cho rằng cú tăng mạnh lần này xuất phát từ nhiều yếu tố kết hợp. Trước hết là sự bất ổn trong chính sách thương mại của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Trump, khiến giới đầu tư lo ngại và tìm đến vàng như một tài sản trú ẩn. Cùng với đó là lạm phát, rủi ro suy thoái, xung đột địa chính trị và mối lo đồng USD bị "vũ khí hóa".
“Chúng tôi gọi đây là ‘cơn bão hoàn hảo’ cho giá vàng”, Louise Street – chuyên gia phân tích cao cấp tại Hội đồng Vàng Thế giới – nhận định. “Lạm phát có dấu hiệu tăng, rủi ro suy thoái đang lớn dần. IMF cũng vừa hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu”.
Russ Mould – Giám đốc đầu tư tại công ty chứng khoán AJ Bell – bổ sung: “Vàng không thể bị in ra như tiền. Khi các ngân hàng trung ương ứng phó khủng hoảng bằng cách hạ lãi suất và bơm tiền, vàng trở thành kênh trú ẩn tự nhiên”.
Ngân hàng trung ương toàn cầu tích cực gom vàng
Từ năm 2022, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng cường mua vàng để bổ sung dự trữ ngoại hối. Mỗi năm, hơn 1.000 tấn vàng được mua vào – gấp đôi mức trung bình trong thập kỷ trước đó.
Louise Street cho biết, Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Lan, Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ là những quốc gia tích cực mua vàng nhất. Động lực xuất phát từ lo ngại sau khi Nga bị đóng băng tài sản dự trữ tại phương Tây trong bối cảnh chiến tranh Ukraine. Điều này khiến nhiều quốc gia đặt lại câu hỏi về tính an toàn của việc giữ ngoại tệ dự trữ bằng đồng USD hoặc euro.
“Không ai muốn dự trữ của mình bị phong tỏa”, Daan Struyven – chuyên gia tại Goldman Sachs – lý giải. “Vàng giữ trong kho của chính mình thì an toàn hơn”.
Simon French, Kinh tế trưởng tại Panmure Liberum, thì cho rằng đây là xu hướng dài hạn: “Với những quốc gia không còn muốn phụ thuộc vào hệ thống tài chính phương Tây, vàng trở thành lựa chọn chính trị và chiến lược”.
Không chỉ các chính phủ, nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng đang đổ xô mua vàng vật chất. Theo Zoe Lyons, nhiều người tìm đến Hatton Garden chỉ vì nghe nói vàng đang tăng giá mạnh. “Họ không muốn bị bỏ lại phía sau – FOMO (sợ bỏ lỡ) đang len lỏi vào thị trường”, cô nhận định.
Đây không phải lần đầu tiên giá vàng tăng mạnh. Vào năm 1980, giá tăng vọt do xung đột tại Afghanistan và lạm phát toàn cầu. Năm 2011, đợt khủng hoảng tài chính cũng đẩy giá vàng lên cao. Tuy nhiên, trong cả hai lần đó, sau khi lập đỉnh, giá vàng đều lao dốc nhanh chóng.
![]() |
Goldman Sachs dự báo giá vàng có thể đạt 3.700 USD/ounce vào cuối năm 2025 và lên tới 4.000 USD vào giữa năm 2026. (Ảnh: BBC) |
Goldman Sachs dự báo giá vàng có thể đạt 3.700 USD/ounce vào cuối năm 2025 và lên tới 4.000 USD vào giữa năm 2026. Trong kịch bản xấu – như suy thoái tại Mỹ hoặc căng thẳng thương mại leo thang – giá có thể đạt 4.500 USD trong năm nay.
Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan. Một số chuyên gia cảnh báo giá vàng đang tăng quá nhanh, tạo thành bong bóng tiềm ẩn. Jon Mills (Morningstar) từng dự đoán vàng có thể giảm về 1.820 USD/ounce trong vài năm tới nếu sản lượng khai thác tăng, lượng vàng tái chế nhiều hơn và các ngân hàng trung ương ngừng mua ròng.
Tuy nhiên, các dự báo sau đó đã được điều chỉnh nhẹ do chi phí khai thác tăng cao.
Struyven từ Goldman Sachs cho rằng sẽ có những nhịp điều chỉnh ngắn hạn, đặc biệt nếu xảy ra các sự kiện như hòa bình tại Ukraine hoặc căng thẳng thương mại hạ nhiệt. Nhưng nhìn chung, ông tin giá vàng vẫn đang ở trong một chu kỳ tăng dài hạn do nhu cầu từ ngân hàng trung ương chưa giảm.
Russ Mould thì nhấn mạnh: “Sau một đợt tăng giá mạnh như vậy, khả năng thị trường nghỉ để điều chỉnh là rất cao”.
Simon French thì nghi ngờ rằng đỉnh đã rất gần. “Những ai nhảy vào lúc này vì thấy vàng đang ‘hot’ có thể sẽ thất vọng”.
Vàng là tài sản hữu hình, không phụ thuộc vào hệ thống tài chính hay ngân hàng. Nhưng khác với cổ phiếu hay trái phiếu, vàng không tạo ra dòng tiền – không có cổ tức, không có lãi suất.
Susannah Streeter – chuyên gia tại Hargreaves Lansdown – khuyến nghị: “Vàng chỉ nên là một phần trong danh mục đầu tư đa dạng. Đừng đặt tất cả trứng vào một giỏ – kể cả là giỏ vàng”.
Theo BBC