Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thông tin về tình hình trích lập, chi sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu Quý I năm 2025, tổng số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu (QBOG) tại các doanh nghiệp đầu mối đã lên tới gần 6.080 tỷ đồng. Trong bối cảnh giá xăng dầu có những đợt tăng vọt, thậm chí vượt ngưỡng 25.000 đồng/lít như năm 2024, việc liên Bộ Công Thương – Tài chính vẫn giữ lập trường “không trích, không chi” quỹ đã khiến dư luận đặt dấu hỏi về hiệu quả của công cụ điều tiết này.

Trong khi đó, theo khoản 1 Điều 37 Nghị định 83/2014/NĐ-CP, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là Quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước (sau đây gọi chung là Quỹ bình ổn giá); toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá bán xăng dầu trong nước.

Lý giải cho việc quỹ “đóng băng”, theo Bộ Công Thương, kể từ khi thực hiện điều hành giá xăng dầu rút xuống 7 ngày theo Nghị định số 80 năm 2023 về kinh doanh xăng dầu, giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới. Cùng với đó các loại chi phí kinh doanh xăng dầu được cập nhật kịp thời tạo động lực cho doanh nghiệp tạo nguồn xăng dầu cung ứng đầy đủ nhu cầu cho thị trường nội địa.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng bản chất vấn đề nằm ở sự lạc hậu và thiếu minh bạch trong cơ chế vận hành quỹ. Trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong, TS Nguyễn Đức Độ – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính nhận định, quỹ hiện nay không còn phát huy vai trò điều tiết giá như mục tiêu ban đầu. Thay vào đó, nhiều doanh nghiệp găm giữ để hưởng lợi từ lãi ngân hàng hoặc dùng làm vốn lưu động không lãi suất, trong khi người dân không biết tiền mình đóng góp được sử dụng ra sao.

Trước đó, vào đầu năm 2024, Thanh tra Chính phủ nêu rõ có 07/15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã sử dụng Quỹ bình ổn giá sai mục đích bình ổn giá, không kết chuyển về tài khoản Quỹ bình ổn giá mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp, với số tiền là 7.927 tỷ đồng.

Vì sao quỹ bình ổn giá xăng dầu dư 6.000 tỷ nhưng không dùng?
Những bất cập trong trích lập, sử dụng, quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cho thấy đã đến lúc loại bỏ quỹ này? Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Mới đây, Dự thảo lần thứ 6 Nghị định về kinh doanh xăng dầu do Bộ Công Thương trình Chính phủ đã hoàn toàn không còn nhắc đến QBOG. Thay vào đó, giá bán xăng dầu sẽ do doanh nghiệp tự xây dựng dựa trên công thức cụ thể, gắn với chi phí thực tế và được công bố định kỳ theo tuần. Trong trường hợp cần thiết, công cụ bình ổn sẽ chuyển sang sử dụng các biện pháp tài khóa hoặc chính sách điều hành vĩ mô theo quy định của Luật Giá.

Dù lựa chọn hướng đi nào, câu chuyện về một quỹ tồn dư hàng nghìn tỷ nhưng không phát huy vai trò thực tế tiếp tục đặt ra nhiều tranh luận, nhất là trong bối cảnh giá năng lượng luôn là yếu tố nhạy cảm với nền kinh tế và đời sống người dân.