Tổng thống Mỹ Donal Trump vừa công bố chính sách mới về thuế đối ứng, theo đó mức áp thuế với hàng hóa nhập khẩu vào nước này 'cao bất ngờ'. Việt Nam nằm trong Top những nước bị áp thuế cao nhất, đến 46%.

Mức thuế cao bất ngờ, song, Việt Nam đã nhanh chóng tìm giải pháp ứng phó. Sáng 4/4, Cổng thông tin Chính phủ đăng tải ý kiến, nhận định của T.S Nguyễn Sĩ Dũng quanh chủ đề về thuế này.

Trong nguy có cơ - thời điểm vàng để tái cơ cấu và nâng tầm chuỗi giá trị

Trong bối cảnh Hoa Kỳ siết chặt thương mại, nhiều chuyên gia nhận định đây không chỉ là thách thức mà còn có thể là cú hích để Việt Nam thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình xuất khẩu theo hướng bền vững và giá trị cao hơn.

Thực tế nhiều năm qua, mô hình xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc lớn vào gia công, lắp ráp. Việc kiểm soát thương mại chặt chẽ từ các thị trường lớn như Hoa Kỳ là lời cảnh tỉnh để Việt Nam đẩy mạnh nội địa hóa, phát triển công nghiệp hỗ trợ và tiến tới sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn hơn.

Dòng vốn FDI có thể chịu ảnh hưởng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, điều này lại càng khẳng định vai trò chiến lược của khu vực kinh tế tư nhân trong nước – lực lượng đang ngày càng năng động, đổi mới và khát vọng vươn lên. Đây là cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc chuỗi cung ứng, hướng đến sự tự chủ chiến lược, giảm phụ thuộc vào một thị trường hay nguồn vốn duy nhất.

Muốn bảo đảm tăng trưởng bền vững trong bối cảnh mới, không còn cách nào khác ngoài việc kích hoạt sức mạnh nội tại của nền kinh tế. Điều này đòi hỏi những giải pháp kích cầu trúng đích, tập trung vào đầu tư công hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, mở rộng thị trường trong nước và thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Trong nguy có cơ, nếu biết tận dụng thời cơ và hành động kịp thời, Việt Nam hoàn toàn có thể biến thách thức thành đòn bẩy để bứt phá trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Việc Mỹ áp thuế 46% với Việt Nam: Trong nguy có cơ - thời điểm vàng để tái cơ cấu và nâng tầm chuỗi giá trị
Ảnh minh họa

Không vội vàng lo lắng – đây chưa phải là hồi kết

Trước đó, ngay sau khi Mỹ tuyên bố chính sách về thuế, ông Nguyễn Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI cũng đã có buổi trao đổi thông tin hữu ích tại chương trình Cafe Chứng sáng 3/4. Ông Hưng cũng đưa ra những nhận định lạc quan về việc này. Bên cạnh đó, ông Hưng cũng đưa ra những đánh giá cá nhân tới các tác động của các nhóm ngành nghề.

Các chuyên gia kinh tế hàng đầu đều chung nhận định, chính sách thương mại luôn có tính linh hoạt cao, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, nơi các quyết định hành pháp có thể chịu điều chỉnh bởi Quốc hội, doanh nghiệp và chính công luận Mỹ. Việc công bố mức thuế mới là một tuyên bố chính trị và đàm phán – chưa hẳn là cánh cửa khép lại cho hàng hóa Việt Nam.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các tổ chức thương mại Mỹ vốn đang có quan hệ chặt chẽ với Việt Nam sẽ lên tiếng, bởi chính họ cũng chịu thiệt hại.

Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài - Bộ Công Thương, cũng nhận định, Việt Nam và Hoa Kỳ là hai nền kinh tế mang tính chất bổ trợ, cơ cấu xuất khẩu và ngoại thương của hai nước không cạnh tranh trực tiếp mà có sự bổ sung cho nhau, phù hợp với nhu cầu nội tại của mỗi nước. Ngay sau khi Hoa Kỳ công bố áp thuế, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có Công hàm đề nghị phía Hoa Kỳ tạm hoãn quyết định áp thuế để dành thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý cho cả hai bên.

Theo T.S Nguyễn Sĩ Dũng, Việt Nam đã ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (EVFTA, CPTPP, RCEP…), mở ra các thị trường rộng lớn từ EU đến châu Á - Thái Bình Dương. Sự đa dạng hóa thị trường là một chiến lược dài hạn đúng đắn, giúp Việt Nam giảm thiểu rủi ro từ sự phụ thuộc đơn phương.

Ông Tạ Hoài Linh cũng phát biểu: Bộ Công Thương cho rằng, phía doanh nghiệp xuất khẩu cần tận dụng thế mạnh sẵn có đó là 17 Hiệp định thương mại tự do với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng 70 cơ chế hợp tác song phương.