Theo Báo cáo Chỉ số Hòa bình Toàn cầu (GPI) năm 2025 do Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) công bố, Việt Nam đã đạt bước tiến đáng kể về mức độ hòa bình, đứng thứ ba trong ASEAN, vươn lên xếp hạng 38 toàn cầu, tăng một bậc so với năm ngoái và vượt Thái Lan tới 48 bậc trong bảng xếp hạng gồm 163 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong ASEAN, các quốc gia thành viên tiếp tục cho thấy sự chênh lệch lớn về mức độ hòa bình, với một số quốc gia có sự thay đổi trong bảng xếp hạng GPI trong năm nay. Những thay đổi này phản ánh tình hình an ninh đang diễn biến, xung đột nội bộ và xuyên biên giới, cũng như áp lực kinh tế ở nhiều nơi khác nhau trong khu vực.

Cụ thể, Singapore tiếp tục dẫn đầu ASEAN về mức độ hòa bình, đứng thứ 6 toàn cầu với 1.357 điểm, không thay đổi so với năm ngoái. Malaysia giữ vị trí thứ hai trong khu vực, xếp 13 toàn cầu với 1.469 điểm, dù tụt nhẹ một bậc so với năm trước.

Việt Nam có bước tiến tích cực, tăng một bậc lên đồng hạng 38 thế giới, trở thành quốc gia hòa bình thứ ba tại ASEAN với 1.721 điểm. Đây là vị trí cao nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua, đồng thời bỏ xa Thái Lan tới 48 bậc.

Xếp sau Việt Nam là Lào (hạng 47 toàn cầu, giảm 3 bậc), Indonesia (hạng 49, tăng 3 bậc) và Thái Lan (hạng 86, giảm 5 bậc). Campuchia đứng thứ 87 toàn cầu, tụt mạnh 12 bậc và rơi xuống vị trí thứ bảy trong khu vực. Philippines dù vẫn ở nhóm dưới, đã cải thiện đáng kể khi tăng 6 bậc lên hạng 105. Myanmar tiếp tục đội sổ ASEAN, giữ vị trí 153 toàn cầu, giảm thêm 2 bậc so với năm ngoái.

Chỉ số GPI được đánh giá dựa trên 23 tiêu chí định tính và định lượng, phân theo ba nhóm: mức độ an toàn – an ninh xã hội, xung đột trong nước và quốc tế, cùng mức độ quân sự hóa. Theo hệ thống này, điểm số càng thấp đồng nghĩa mức độ hòa bình càng cao. Năm nay, Việt Nam đạt 1.721 điểm, so với 2.017 điểm của Thái Lan, quốc gia đã tụt 5 bậc và hiện đứng thứ 86 thế giới.

Nhìn chung, việc Việt Nam thăng hạng trong GPI 2025 không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng về chính trị – xã hội mà còn tạo lợi thế về đầu tư, phát triển kinh tế và hợp tác quốc tế. Một quốc gia được đánh giá hòa bình và ổn định thường là điểm đến ưu tiên với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang có xu hướng dịch chuyển khỏi các khu vực rủi ro.

Việt Nam vừa vượt loạt nước ASEAN, hơn hẳn Thái Lan 48 bậc về một chỉ số
Việt Nam vừa vượt loạt nước ASEAN, hơn hẳn Thái Lan gần 50 bậc về một chỉ số (Ảnh minh họa)

Theo GPI năm 2025, Iceland vẫn là quốc gia hòa bình nhất thế giới - vị trí này đã được duy trì kể từ năm 2008. Các quốc gia khác tiếp tục xếp hạng cao bao gồm Ireland, Áo, New Zealand và Thụy Sĩ.

Ở cấp độ khu vực, Tây Âu và Trung Âu tiếp tục là những khu vực hòa bình nhất toàn cầu, chiếm tám trong số mười quốc gia đứng đầu trong chỉ số. Tuy nhiên, mức độ hòa bình chung ở khu vực này đã suy giảm trong bốn năm qua.

Trong khi đó, khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA) vẫn là khu vực kém yên bình nhất thế giới. Nam Á được xếp hạng là khu vực kém yên bình thứ hai và ghi nhận mức giảm hòa bình mạnh nhất trong năm qua. Khu vực duy nhất ghi nhận sự cải thiện về hòa bình trong năm qua là Nam Mỹ, nơi bảy trong số mười một quốc gia đã đạt được tiến bộ. Peru và Argentina báo cáo những cải thiện đáng kể nhất.