Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết: "Kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm, tổng cầu thế giới sụt giảm, nhưng hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn. Mặc dù chưa đạt được mức tăng trở lại so với năm trước, nhưng mức suy giảm tiếp tục được thu hẹp từ mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023 xuống mức giảm khoảng 4,6% trong cả năm 2023".

Việt Nam xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với thặng dư kỷ lục 26 tỷ USD
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu tại Hội nghị Tổng kết ngày 20/12

Xuất khẩu tận dụng tốt đa dạng hóa thị trường, kim ngạch xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng; mức suy giảm xuất khẩu tại một số thị trường chủ lực tiếp tục được thu hẹp.

Cụ thể, xuất khẩu sang Hoa Kỳ thu hẹp từ mức giảm 22,6% trong nửa đầu năm 2023 xuống mức giảm khoảng 11,2% trong cả năm 2023; EU thu hẹp từ mức giảm 10,1% trong nửa đầu năm 2023 xuống còn khoảng 4,8% trong cả năm 2023; Hàn Quốc thu hẹp từ mức 10,2% xuống còn khoảng 2,5%...

Khu vực kinh tế trong nước tiếp tục nỗ lực để duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, mức giảm xuất khẩu của khu vực này trong năm 2023 là 0,9%, khu vực FDI giảm 5,9%, và thấp hơn với mức giảm kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước (ước giảm 4,6%).

Dù mức độ suy giảm trong xuất khẩu tiếp tục được thu hẹp nhưng lãnh đạo Bộ Công Thương thừa nhận: "Về cơ bản vẫn chưa phục hồi so với cùng kỳ năm trước, do xuất khẩu năm 2023 ước đạt 354,5 tỷ USD, giảm 4,6%, không đạt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra hồi đầu năm là tăng 6%".

Mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI trong xuất khẩu vẫn còn lớn khi kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) vẫn chiếm khoảng 73% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Khu vực sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, nhất là nguyên phụ liệu của Việt Nam từ hầu hết các thị trường đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ nhập khẩu các nhóm hàng chủ lực và là đầu vào quan trọng phục vụ sản xuất các ngành hàng xuất khẩu đều giảm mạnh, như: Điện thoại các loại và linh kiện ước giảm 57,4% so với năm 2022; thép các loại giảm 17,8%; vải các loại giảm 12,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 8,1%; chất dẻo nguyên liệu giảm 20,1%; hóa chất ước giảm 17,4%...

"Thặng dư thương mại đạt kỷ lục 26 tỷ USD, nhưng xuất siêu chủ yếu do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu", Thứ trưởng Phan Thị Thắng nói.

Dự đoán thị trường cho năm tới, Bộ Công Thương nhận định, áp lực bên ngoài đối với sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024 còn lớn. Trong đó, kênh thương mại quốc tế khi nhiều nền kinh tế là đối tác lớn của Việt Nam tăng trưởng chậm, dẫn đến tổng cầu khó phục hồi mạnh, từ đó tác động đến kết quả xuất khẩu.

Để đạt các mục tiêu của năm 2024, Bộ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh để đưa các dự án công nghiệp lớn đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện phục vụ cho sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Khai thác hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các Hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng.

Đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm.

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam… Nâng tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.