Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Ban Quản lý dự án đường sắt yêu cầu nghiên cứu đề xuất của Tập đoàn Vingroup về tuyến đường sắt Hà Nội - Quảng Ninh, đồng thời đánh giá khả năng kết hợp đầu tư với tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân nhằm tận dụng hạ tầng hiện có.
Theo đó, Bộ đề nghị nghiên cứu bổ sung các kịch bản đầu tư với dải tốc độ 160km/h và 300km/h, lựa chọn phương án hiệu quả nhất. Đồng thời, Ban quản lý cần đề xuất phương thức đầu tư, cơ chế chính sách đi kèm (nếu có). Hồ sơ điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi phải được gửi về Bộ trước ngày 6/5/2025 để tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét.
![]() |
Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại Hạ Long - Cái Lân thực hiện từ năm 2008 đến nay là 17 năm vẫn chưa xong |
Tuyến Yên Viên - Phả Lại Hạ Long - Cái Lân từng được khởi công từ năm 2008 với mục tiêu vận tải kết hợp hàng hóa và hành khách. Dự án dài 131km, tốc độ thiết kế 120km/h. Tuy nhiên, dự án bị đình hoãn từ 2011. Việc dự án bị đình hoãn đã ảnh hưởng trực tiếp đến người dân sinh sống dọc hai bên tuyến đường, đồng thời gây lãng phí tài nguyên đất, kìm hãm phát triển kinh tế, xã hội. Gần đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất bổ sung hơn 4.000 tỷ đồng để nâng tổng vốn đầu tư lên khoảng 8.300 tỷ đồng và chuyển công năng sang phục vụ vận tải hành khách.
Trong khi đó, Vingroup đề xuất đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Quảng Ninh dài 121km, vận tốc thiết kế tối đa 300km/h, phục vụ chủ yếu nhu cầu đi lại, du lịch.
Tại cuộc họp ngày 17/4 do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương liên quan đã thảo luận về hướng tuyến, công nghệ, tổng mức đầu tư và khả năng tích hợp vào quy hoạch chung.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò chiến lược của trục đường sắt Hà Nội - Quảng Ninh trong kết nối vùng Đồng bằng sông Hồng, hoan nghênh các đề xuất từ doanh nghiệp và yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì rà soát, cập nhật quy hoạch mạng lưới đường sắt phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội, công nghệ hiện đại.
Đồng thời, nhà đầu tư cần cụ thể hóa đề xuất về hướng tuyến, phương thức đầu tư, cơ chế khai thác kết hợp phát triển đô thị, dịch vụ theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng).