Sau chuỗi tăng giá kéo dài 7 phiên liên tiếp, thị trường chứng khoán Việt Nam vừa điều chỉnh trở lại ngày 15/7. Chỉ số VN-Index giảm 9,77 điểm, lùi về 1.460,65 điểm dù phần lớn thời gian trong phiên duy trì sắc xanh. Diễn biến này cho thấy áp lực chốt lời đang gia tăng khi chỉ số tiếp cận vùng kháng cự mạnh 1.470 điểm – vốn là ngưỡng cản kỹ thuật quan trọng của giai đoạn hiện tại.

Thanh khoản vẫn duy trì ở mức rất cao, cho thấy dòng tiền chưa có dấu hiệu rút ra khỏi thị trường. Sàn HoSE ghi nhận giá trị giao dịch lên tới 34.300 tỷ đồng – một trong những phiên sôi động nhất kể từ đầu năm. Dòng tiền tiếp tục phân bổ mạnh vào nhóm chứng khoán (8.700 tỷ đồng), ngân hàng (7.700 tỷ đồng) và bất động sản (5.700 tỷ đồng).

VN-Index quay đầu, chuyên gia cảnh báo rủi ro margin cao
Phân bổ dòng tiền các nhóm ngành trong phiên 15/7

Tuy nhiên, áp lực bán bất ngờ tăng mạnh vào cuối phiên, đặc biệt sát 14h30, chủ yếu đến từ nhóm VN30. Có tới 25/30 cổ phiếu nhóm này giảm điểm, kéo thị trường chung đi xuống. Các mã dẫn dắt như VIC, VHM, BID hay VCB đồng loạt mất hơn 1%, trong khi một vài điểm sáng như SSI hay LPB tăng trên 2% là không đủ để giữ nhịp thị trường.

Một điểm tích cực là khối ngoại vẫn duy trì mua ròng phiên thứ 10 liên tiếp, với tổng giá trị gần 1.100 tỷ đồng. Cổ phiếu SSI, VPB, DXG tiếp tục là tâm điểm mua ròng, trong khi cổ phiếu Gelex (GEX) tăng hơn 5% với dòng vốn ngoại đổ vào hơn 170 tỷ đồng.

Theo chuyên gia phân tích từ Chứng khoán MB (MBS), thị trường đang dần bước vào vùng thử thách khi chỉ số tiệm cận mốc lịch sử 1.500 điểm. Trạng thái phân hóa dự báo sẽ tiếp tục rõ nét hơn, và dòng tiền thông minh sẽ luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu thay vì lan tỏa đều.

Trong bối cảnh thanh khoản tăng vọt, MBS cảnh báo rủi ro từ việc sử dụng đòn bẩy tài chính cao đang ở mức đáng báo động. Chiến lược được khuyến nghị là chủ động hạ tỷ lệ margin khi thị trường còn thuận lợi, ưu tiên quản trị rủi ro và bảo toàn thành quả.

Về đầu tư, nhà đầu tư được khuyến nghị nên lựa chọn cổ phiếu dựa trên nền tảng cơ bản thay vì chạy theo chỉ số chung. Ưu tiên các nhóm cổ phiếu chưa tăng mạnh trong nhịp vừa qua, cổ phiếu phòng thủ hoặc nhóm hưởng lợi từ diễn biến giá hàng hóa (dầu khí, phân bón, cảng biển...).

Dù thị trường có thể rung lắc trong ngắn hạn, xu hướng trung hạn vẫn được đánh giá tích cực nếu VN-Index giữ vững mốc hỗ trợ 1.420–1.430 điểm. Nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ điểm mua tốt thay vì FOMO ở vùng giá cao.