Ngày 14/7, VCCI phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo "Nhận diện khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh". Tại Hội thảo, nhiều doanh nghiệp đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong hệ thống pháp luật và thủ tục hành chính hiện nay, đặc biệt là sự thiếu đồng bộ trong ứng dụng công nghệ thông tin.
Đại diện Bower Group Asia, bà Lê Thị Xuân Huế, chia sẻ một câu chuyện thực tế: Trong một lần làm thủ tục gia hạn giấy chứng nhận đầu tư, bà phải mang tới Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội (cũ) khoảng 10kg tài liệu, cần đến hai người để bê hồ sơ.
"Sở yêu cầu có 10 bộ hồ sơ để gửi tới 10 bộ, ngành xin ý kiến. Mỗi bộ nặng khoảng 1kg", bà Huế cho biết.
Bà Huế cũng phản ánh bất cập trong việc áp dụng công nghệ vào giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu. Có trường hợp doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục, nhưng chỉ vì cán bộ không tích vào mục giám sát trên hệ thống, hàng hóa không thể tái xuất. Tình huống này kéo theo hệ lụy doanh nghiệp không thể hoàn thuế. Bà Huế đề nghị phải có quy trách nhiệm rõ ràng với cán bộ sai phạm, đặc biệt nếu gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng chỉ ra bất cập trong quy định hiện hành về độ tuổi lái xe khách trên 29 chỗ – giới hạn ở mức nam không quá 57 tuổi, nữ không quá 55 tuổi, không phù hợp với Bộ luật Lao động hiện nay (62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ). Đại diện hiệp hội đề xuất thay vì quy định cứng về tuổi, nên rút ngắn chu kỳ khám sức khỏe, cho phép các tài xế đủ điều kiện tiếp tục hành nghề.
Một vấn đề “vô lý” khác được nêu là quy định màu sơn xe đưa đón học sinh, không liên quan đến an toàn giao thông nhưng lại gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng nếu phải sơn lại phương tiện.
![]() |
Hội thảo "Nhận diện khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh" - Ảnh: VGP/HT |
Ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký VCCI cũng thẳng thắn chỉ ra rằng nhiều quy định tồn tại hàng chục năm chưa được sửa, trong khi quy định mới lại sinh vướng mắc ngay sau khi ban hành. Dù các đợt rà soát luật liên quan đầu tư, đất đai, môi trường... đã được triển khai, hệ thống pháp luật vẫn thiếu đồng bộ, thiếu minh bạch và chưa sát với thực tiễn.
Luật sư Nguyễn Hồng Chung – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam (VIPFA) đồng quan điểm, cho rằng hệ thống văn bản quy phạm hiện nay thiếu liên thông, khiến doanh nghiệp loay hoay khi xử lý và tra cứu hồ sơ.
Ông Chung đề xuất khẩn trương sửa đổi các luật và văn bản dưới luật, đặc biệt chú trọng sự liên thông giữa Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng và Luật Bảo vệ môi trường, nhằm tạo một quy trình thống nhất và rút ngắn thời gian xử lý thủ tục đầu tư.
Từ góc nhìn quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh: Giải pháp phải đánh trúng điểm nghẽn, không nên xử lý manh mún các vụ việc riêng lẻ. Ông đề xuất 4 nhóm giải pháp trọng tâm: Tăng cường giải thích và phổ biến pháp luật; Xây dựng hướng dẫn áp dụng rõ ràng; Sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm; Ban hành nghị quyết xử lý các vấn đề cấp bách và phát sinh đột xuất.