Kết thúc tháng 7/2023, VN-Index đã tăng ấn tượng 9,2% lên mức 1.222,9 điểm - hiệu suất tốt thứ 2 kể từ đầu năm. Chỉ số HNX-Index tăng 13,64 điểm (6,04%) lên 239,58 điểm và UPCoM-Index cũng tăng 3,35 điểm (3,9%) lên 89,35 điểm.

Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 21.181 tỷ đồng/phiên - tăng 6,8% so với tháng 6/2023. Hàng loạt phiên giao dịch chạm mốc tỷ USD cũng đã xuất hiện trở lại.

VN-Index thường tăng trong các tháng 8, có năm tăng 141%
VN-Index 1 năm trở lại đây

Chứng khoán VNDirect (Mã VND) cho rằng, thị trường tăng điểm do nhà đầu tư kỳ vọng các chính sách mở rộng tiền tệ và tài khóa sẽ giúp kết quả kinh doanh các doanh nghiệp tạo đáy và tăng trở lại trong những quý tới. Bên cạnh đó, lãi suất tiết kiệm hạ nhiệt nhanh thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân đổ sang thị trường chứng khoán.

Nửa đầu tháng 8, VNDirect kỳ vọng đà tăng của thị trường có thể duy trì nhờ sự cải thiện kết quả kinh doanh quý 2 (so với quý 1 tại một số cổ phiếu trụ cột).

Tuy vậy, công ty chứng khoán cho rằng, khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh qua đi, vùng trũng thông tin xuất hiện có thể khiến đà tăng của thị trường chững lại trong nửa cuối tháng. Theo đó, vùng 1.240 (+/-10 điểm) có thể là vùng kháng cự mạnh của VN-Index.

Theo dữ liệu lịch sử, tháng 8/2022, VN-Index tăng 6,16% từ mức 1.206 điểm lên 1.280 điểm. Cùng thời điểm năm trước đó, chỉ số thậm chí tăng 51,02%.

Kể từ năm 2000 đến nay, VN-Index thường tăng trong tháng 8 với 14 năm tăng điểm và chỉ 9 năm giảm điểm. Đáng nói các nhịp tăng giảm trong giai đoạn này đều vượt trội hơn so với các tháng còn lại trong năm.

Theo thống kê, trong 14 lần tăng điểm, chỉ số có tới 5 lần tăng trên 50% vào các năm 2001 (+140,9%), 2004 (+62,83%), 2006 (+93%), 2007 (+84,94%), 2021 (+51,02%). Ở chiều ngược lại, chỉ số có 6 lần điều chỉnh trên 10% vào các năm 2002, 2003, 2008, 2010, 2015, 2020 trong đó trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, VN-Index mất tới 40,65% điểm số.

Đồng quan điểm, Chứng khoán Tiên Phong - TPS (Mã ORS) cho rằng sau nhịp tăng mạnh, xu hướng đi lên của VN-Index đang có dấu hiệu chững lại khi áp lực chốt lời tăng cao.

Do đó trong tháng 8, thị trường nhiều khả năng xuất hiện những phiên rung lắc để kéo chỉ số kiểm định lại lực cầu (backtest) tại kháng cự đã bị vượt qua là mức 1.200 điểm.

Với kịch bản cơ sở, TPS cho rằng thị trường sẽ sideway trong vùng 1.200 – 1.240 điểm do tháng 8 là vùng trũng thông tin nên sẽ khó có đột biến.

Ở kịch bản tích cực, với việc tăng trưởng tín dụng và GDP 6 tháng đầu năm đang ở mức thấp, khó có khả năng thực hiện được mục tiêu đã đề ra, nhóm phân tích cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục hạ lãi suất điều hành lần thứ 5 liên tiếp qua đó làm tăng sự hưng phấn cho nhà đầu tư cũng như thu hút dòng tiền mua mới trở lại. VN-Index có thể nối dài sóng tăng với mục tiêu là vùng đỉnh 52 tuần quanh mức 1.300 điểm.

VN-Index thường tăng trong các tháng 8, có năm tăng 141%

Với kịch bản tiêu cực, rủi ro sẽ đến từ sự mất giá của VND trong bối cảnh đồng sức mạnh của USD gia tăng (thể hiện qua chỉ số DXY) cùng việc lãi suất qua đêm USD tại Việt Nam đã vượt VND.

Tuy nhiên, mặt bằng định giá hiện nay của thị trường vẫn chưa ở mức cao như giai đoạn tăng nóng 2017 - 2018 hay 2021. Do đó VN-Index khó xuất hiện cú chỉnh sâu. Trong kịch bản này, VN-Index sẽ có khả năng điều chỉnh về quanh mức hỗ trợ 1.150 điểm.