Tại Hội nghị ngành ngân hàng đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục triển khai quyết liệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025".

Theo đó, ngay đầu năm 2024, hai ngân hàng lớn là Techcombank và BIDV sẽ trình cổ đông thông qua phương án tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể, tại ngân hàng BIDV, ngày 30/01 tới đây, nhà băng sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 với 2 nội dung quan trọng. Thứ nhất, bầu bổ sung thành viên HDQT và thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2022-2027. Thứ hai, ngân hàng sẽ trình thông qua phương án cơ cấu lại BIDV giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, Techcombank cũng vừa chốt ngày đăng ký cuối cùng là 23/01/2024 để thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc thông qua phương án tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025.

2 ngân hàng lớn trình phương án tái cơ cấu
Ảnh minh họa

Trước đó, trong năm 2023, nhiều ngân hàng cũng đã thông qua phương án cơ cấu lại.

Chẳng hạn như hồi tháng 12/2023, VPBank đã lấy ý kiến bằng văn bản phê duyệt phương án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025. Cũng cùng thời điểm này, ĐHĐCĐ Eximbank thông qua tờ trình của HĐQT về phương án cơ cấu lại hoạt động đến năm 2025.

Tháng 5/2023, VIB họp cổ đông bất thường thông qua nội dung phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.

Phương án tái cơ cấu của các ngân hàng không chỉ chú trọng việc xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tài sản mà còn bao gồm các giải pháp nhằm nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tín dụng, hiệu quả hoạt động, quản trị kinh doanh, tính minh bạch trong hoạt động.

Theo đó, các ngân hàng cần nêu được lộ trình tăng vốn và cải thiện chất lượng nguồn vốn tự có, nâng cao tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực quốc tế. Một số ngân hàng uy tín lớn có thể đề xuất đến giải pháp niêm yết cổ phiếu trên thị trường quốc tế.