Theo hãng tin AP, Thẩm phán Balaoisa Marquinez của Panama đã tuyên bố trắng án cho 28 người bị cáo buộc rửa tiền trong vụ án quốc tế nổi tiếng “Hồ sơ Panama”, bao gồm cả người đồng sáng lập một công ty luật mà chính quyền cho là trung tâm của âm mưu che giấu tiền liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp.

Theo đó, bị cáo Jurgen Mossack từng thành lập công ty luật Mossack Fonseca cùng với cộng sự lúc đó là Ramon Fonseca, người đã qua đời vào tháng 5 vừa qua. Mossack đã được tuyên trắng án hôm thứ Sáu tuần trước (28/6) cùng với những người khác sau khi một Thẩm phán người Panama phát hiện ra rằng bằng chứng chống lại Mossack không tuân thủ quy trình giám sát sau khi chính quyền đột kích vào văn phòng của công ty hiện không còn tồn tại.

28 bị cáo bất ngờ được tuyên trắng án trong đại án 'Hồ sơ Panama'
Jurgen Mossack, nhà đồng sáng lập của công ty luật Mossack Fonseca, rời Tòa án Tối cao trong phiên tòa xét xử vụ rửa tiền “Hồ sơ Panama” ở thành phố Panama ngày 8/4/2024. Vào ngày 28/6 vừa qua, một thẩm phán người Panama đã tuyên trắng án cho Mossack và 27 người khác (Ảnh AP/Agustin Herrera)

Trước đó, trong phiên tòa được tổ chức tại thành phố Panama vào tháng 4, cơ quan công tố đã yêu cầu mức án 12 năm tù cho Jurgen Mossack và Ramon Fonseca, tức là mức án tối đa cho tội rửa tiền.

Các công tố viên đã cáo buộc Mossack, Fonseca và những người khác thành lập các công ty ở nước ngoài và sử dụng các giao dịch phức tạp để giấu tiền khỏi các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến cái gọi là “vụ bê bối tham nhũng rửa xe” liên quan đến công ty xây dựng Odebrecht của Brazil, doanh nghiệp sử dụng các công ty vỏ bọc để che giấu hàng triệu USD tiền hối lộ được chi trả trên toàn thế giới để giành được các hợp đồng công.

Thẩm phán Balaoisa Marquinez lưu ý rằng các bằng chứng khác trong vụ Hồ sơ Panama “không đủ và không có tính kết luận để xác định trách nhiệm hình sự của bị cáo”.

Ngoài ra, Thẩm phán Marquinez cũng đã dỡ bỏ các biện pháp phòng ngừa cá nhân và tài sản đối với tất cả các bị cáo, theo một tuyên bố của tòa án.

28 bị cáo bất ngờ được tuyên trắng án trong đại án 'Hồ sơ Panama'
Trụ sở chính của Mossack Fonseca tại Panama đã bị cảnh sát đột kích vào năm 2016, sau cuộc điều tra "Hồ sơ Panama" của Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) - Ảnh: icij.org

“Chúng tôi cảm thấy hài lòng giữa những cảm xúc lẫn lộn, vì nhiều cuộc đời đã bị ảnh hưởng trong suốt quá trình này”, Guillermina Mc Donald, luật sư bào chữa cho Mossack và Fonseca, nói với hãng thông tấn The Associated Press. Công ty của bà Mc Donald cũng đại diện cho 80% cộng sự của công ty bị cáo buộc.

Thẩm phán Balaoisa Marquinez đã quyết định kết hợp vụ “Hồ sơ Panama” với một vụ khác được gọi là “Chiến dịch Rửa xe” trong một cuộc điều tra chống tham nhũng lớn bắt đầu ở Brazil.

Hôm 28/6, bà Marquinez cũng đưa ra phán quyết rằng trong vụ “Chiến dịch Rửa xe” rằng “không thể xác định được nguồn tiền bất hợp pháp từ Brazil chảy vào hệ thống tài chính Panama với mục đích che giấu, ngụy trang hoặc giúp trốn tránh hậu quả pháp lý của tội phạm trước đó”.

Vào tháng 6 năm 2022, Mossack, Fonseca và 37 người khác được trắng án trong một vụ rửa tiền được xét xử riêng biệt.

Cuộc điều tra ở Brazil bắt đầu vào năm 2014. Sau đó, năm 2016, tổng cộng 11,5 triệu tệp dữ liệu từ công ty Mossack & Fonseca được tiết lộ với tờ Sueddeutsche Zeitung của Đức và tờ báo này đã chia sẻ với Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ).

Hậu quả của vụ rò rỉ thông tin là rất lớn khi nó dẫn đến việc Thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsson từ chức vào ngày 5/4/2016 và khiến các cựu lãnh đạo Argentina và Ukraine cũng như nhiều chính trị gia phải chịu sự giám sát chặt chẽ.

Các tài khoản ở “thiên đường thuế” Panama trong đại án “Hồ sơ Panama” còn có liên quan đến những người nổi tiếng như cựu Tổng thống Argentina Mauricio Macri, ngôi sao bóng đá Lionel Messi, nhà làm phim người Tây Ban Nha Pedro Almodovar, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và nhiều người khác...

Về phần mình, công ty luật Mossack Fonseca đã đóng cửa vào năm 2018 và biện minh rằng không kiểm soát được cách khách hàng của mình có thể sử dụng các phương tiện ở nước ngoài được tạo ra cho họ.

Các công tố viên liên bang Mỹ từng cáo buộc công ty luật Mossack Fonseca âm mưu lách luật Mỹ để che giấu số tiền nợ thuế, và cho rằng kế hoạch này có từ năm 2000, đồng thời liên quan đến các quỹ giả mạo cũng như các công ty vỏ bọc ở Panama, Hong Kong (Trung Quốc) và Quần đảo Virgin thuộc Anh. Các công tố viên Đức đã ban hành lệnh bắt giữ quốc tế đối với Jurgen Mossack và Ramon Fonseca Mora vào năm 2020 với tội danh hỗ trợ trốn thuế và thành lập tổ chức tội phạm. Tuy nhiên, cả hai bị cáo đều có quốc tịch Panama. Quốc gia này không dẫn độ công dân của mình ra nước ngoài xét xử.

Sau vụ bê bối trên, Panama đã thông qua luật mới nhằm minh bạch tài chính, nhưng quốc gia Trung Mỹ này vẫn nằm trong danh sách đen của Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến trốn thuế.

Theo AP