Báo Pháp luật TP HCM ngày 1/4 đăng tải bài viết của TS. Nguyễn Đình Thái, Chuyên gia quản lý công Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM. Trong bài viết nêu, nếu sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu vào TP.HCM thì ba địa phương này sẽ bổ trợ cho nhau trong thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển có trọng tâm, ngành nghề mũi nhọn, góp phần tạo nên vùng kinh tế năng động, phát triển nhất của cả nước và Đông Nam Á, kết nối khu vực đô thị Singapore, Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia)...
Tỉnh Bình Dương hiện có diện tích tự nhiên là 2.694,70 km², dân số khoảng 2.426.561 người. Về tổ chức hành chính, toàn tỉnh có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 4 thành phố, 1 thị xã và 4 huyện. Tổng số đơn vị hành chính cấp xã là 91 gồm 45 phường, 5 thị trấn và 41 xã.
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có diện tích 1.980,80 km², dân số khoảng 1.148.000 người, với 7 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 2 thành phố, 1 thị xã và 4 huyện. Hiện toàn tỉnh có 77 đơn vị hành chính cấp xã. Theo Nghị quyết số 1256/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ ngày 1/1/2025, tỉnh sẽ thực hiện việc sắp xếp các đơn vị cấp huyện và cấp xã, trong đó có việc hợp nhất hai huyện Long Điền và Đất Đỏ.
Huyện Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai có diện tích tự nhiên 376,8 km², dân số khoảng 263.551 người. Huyện hiện có 12 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 1 thị trấn và 11 xã.
Như vậy, sau khi sáp nhập tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và huyện Nhơn Trạch vào TP.HCM, đơn vị hành chính cấp tỉnh mới dự kiến sẽ có diện tích tự nhiên khoảng 7.149,4 km², tăng khoảng hơn 3 lần so với diện tích hiện tại của TP. Hồ Chí Minh. Quy mô dân số sau sáp nhập đạt khoảng 13.731.151 người, tăng khoảng 1,4 lần so với dân số hiện nay của TP.HCM.
Theo Tổng cục Thống kê, quy mô kinh tế (GRDP) năm 2024 của tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và TP.HCM theo giá hiện hành đạt 2,7 triệu tỷ đồng, chiếm gần 24% trong tổng quy mô kinh tế hiện nay là 11,5 triệu tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trao đổi với báo Tiền Phong, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, yêu cầu đặt ra với TP.HCM là phát triển nhanh nhưng “chiếc áo” của thành phố đã hết sức chật chội. Nếu TP.HCM không được mở rộng, với dân số gần 10 triệu người, trong khi diện tích chỉ có hơn 2.000 km2 thì rất khó để có thể giải quyết được các điểm nghẽn về hạ tầng, nhà ở, phát triển công nghệ cao…
Cho nên nghiên cứu sắp xếp TP.HCM với các tỉnh trong vùng kinh tế Đông Nam bộ như Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, không chỉ giúp giải quyết được các vấn đề ách tắc trong không gian phát triển, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng giao thông mà còn mở ra không gian phát triển đô thị, không gian biển, không gian du lịch...