Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) và TC Motor, Mazda CX-5 tiếp tục là mẫu SUV cỡ C bán chạy nhất trong tháng 3 với doanh số 1.099 xe. Tính chung quý I/2025, CX-5 đạt tổng cộng 3.022 xe, bỏ xa các đối thủ phía sau và duy trì vị thế hàng đầu trong phân khúc SUV tầm giá 1 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Hyundai Tucson bất ngờ vươn lên vị trí thứ hai trong tháng 3 khi đạt 1.046 xe, tăng trưởng hơn gấp đôi so với tháng trước. Ford Territory cũng đạt kết quả ấn tượng với 931 xe bán ra, trong khi Honda CR-V, Kia Sportage và Mitsubishi Outlander lần lượt đạt doanh số thấp hơn đáng kể, dao động từ hơn 100 đến dưới 500 xe mỗi mẫu.

Tính trong quý đầu năm, các mẫu xe lần lượt theo sau CX-5 gồm: Ford Territory (2.095 xe), Hyundai Tucson (1.925 xe), Honda CR-V (1.336 xe), Kia Sportage (511 xe) và Mitsubishi Outlander (167 xe). Những con số này cho thấy khoảng cách lớn giữa nhóm dẫn đầu và phần còn lại, đặc biệt là sự áp đảo của Mazda CX-5 với chiến lược phiên bản đa dạng và mức giá trải rộng từ 749 đến 979 triệu đồng.

Cuộc chiến SUV cỡ C: Bộ đôi PHEV Trung Quốc đang làm Mazda CX-5 phải dè chừng
Mazda CX-5 tiếp tục là mẫu SUV cỡ C bán chạy nhất trong tháng 3. Ảnh minh họa

Nếu như trước đây, người tiêu dùng chỉ có một vài lựa chọn SUV lai xăng-điện, trong đó đáng kể nhất là Kia Sorento PHEV có giá trên 1,3 tỷ đồng, thì nay phân khúc phổ thông chứng kiến sự xuất hiện của hai tân binh đáng gờm: Jaecoo J7 PHEV và BYD Sealion 6.

Cùng nhắm đến nhóm SUV cỡ C, hai mẫu xe mới không chỉ sở hữu hệ truyền động hiện đại mà còn được chào bán với mức giá hấp dẫn. Cụ thể, Jaecoo J7 PHEV được niêm yết ở mức 999 triệu đồng, trang bị động cơ TGI DHE 1.5L tăng áp kết hợp motor điện cho tổng công suất 342 mã lực, mô-men xoắn 525 Nm. Mẫu xe này có khả năng di chuyển tối đa hơn 1.300 km với bình xăng đầy và pin sạc đầy, trong khi mức tiêu hao nhiên liệu được công bố chỉ 0,84 lít/100 km.

BYD Sealion 6 thậm chí còn có mức giá dễ tiếp cận hơn, khởi điểm từ 839 triệu đồng và ưu đãi còn 799 triệu đồng cho 1.000 đơn hàng đầu tiên. Xe có hai phiên bản, sử dụng hệ truyền động DM-i Super Hybrid gồm động cơ 1.5L và motor điện, sản sinh công suất 214 mã lực, mô-men xoắn 300 Nm, khả năng di chuyển hơn 1.200 km với mức tiêu hao 1,1 lít/100 km.

Với cấu hình PHEV – vốn là sự kết hợp giữa động cơ xăng truyền thống và khả năng vận hành thuần điện – cả hai mẫu xe đều có thể sạc pin để chạy điện hoàn toàn trong khoảng cách nhất định nhưng vẫn đảm bảo tính linh hoạt khi vận hành đường dài.

Cuộc chiến SUV cỡ C: Bộ đôi PHEV Trung Quốc đang làm Mazda CX-5 phải dè chừng
Jaecoo J7 được chào bán với mức giá hấp dẫn. Ảnh minh họa

Dù sở hữu công nghệ tiên tiến và giá bán cạnh tranh, Jaecoo J7 PHEV và BYD Sealion 6 vẫn đối mặt không ít thách thức khi phần đông người tiêu dùng Việt còn e ngại xe Trung Quốc. Lý do không chỉ đến từ yếu tố thương hiệu mà còn liên quan đến mức độ cam kết lâu dài về hậu mãi, dịch vụ và phụ tùng thay thế.

Trong khi đó, các đối thủ như Honda CR-V e:HEV hay Haval H6 tuy cũng mang công nghệ hybrid nhưng vẫn là loại tự sạc (HEV) – với hệ thống pin nhỏ và không thể sạc ngoài. So sánh này càng làm nổi bật lợi thế công nghệ của PHEV, đặc biệt trong bối cảnh người Việt ngày càng quan tâm đến giải pháp xanh, tiết kiệm và thân thiện với môi trường.

Việc có thêm những lựa chọn SUV cỡ C PHEV không chỉ giúp tăng tính đa dạng sản phẩm mà còn là yếu tố thúc đẩy sự cạnh tranh toàn diện trong phân khúc. Giá xe vì thế có xu hướng điều chỉnh hợp lý hơn, đồng thời buộc các hãng phải cải thiện công nghệ, dịch vụ và chất lượng.

Dù chưa thể “soán ngôi” Mazda CX-5 trong ngắn hạn, sự hiện diện của Jaecoo J7 và BYD Sealion 6 được ví như “gia vị” lạ trong món ăn quen, tạo động lực cho thị trường SUV phát triển theo hướng bền vững, hiện đại hơn. Trong tương lai gần, nếu giải được bài toán niềm tin và dịch vụ hậu mãi, những mẫu xe PHEV này hoàn toàn có thể định hình lại cuộc chơi.