Sau sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng mới với diện tích hơn 24.200km2, dân số khoảng 3,3 triệu người sẽ trở thành tỉnh rộng nhất cả nước. Hiện nay, Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với gần 16.500km2. Bên cạnh đó, khi sáp nhập với Đắk Nông và Bình Thuận, tỉnh mới Lâm Đồng có thể vươn lên top 10 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, đạt hơn 319.000 tỷ đồng.
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: VGP |
Theo báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Bình Thuận vừa có công văn phân tích rõ những thuận lợi, dư địa phát triển và viễn cảnh tươi sáng khi 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận thực hiện sáp nhập thành tỉnh Lâm Đồng mới.
Hiện nay, hệ thống giao thông liên tỉnh, liên vùng của ba địa phương cơ bản đã hoàn thành, bao gồm các tuyến đường cao tốc, quốc lộ và hạ tầng giao thông công cộng hiện đại. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối giữa các địa phương, mở ra cơ hội giao thương và du lịch mạnh mẽ.
Sau khi sáp nhập, tỉnh mới sẽ có sân bay quốc tế Liên Khương, sân bay Phan Thiết, tuyến đường sắt Bắc – Nam, cảng biển và một số tuyến đường thủy nội địa.
Bên cạnh đó, việc sáp nhập 3 tỉnh tạo điều kiện hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn, từ đường bộ, đường sắt đến hàng không và đường biển. Các tuyến đường cao tốc, quốc lộ như QL28B, QL55, Dầu Giây – Liên Khương được nâng cấp sẽ nối liền các vùng trọng điểm, mở rộng cửa ngõ giao thương ra biển Đông và các tỉnh Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, việc sáp nhập 3 tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển khi tỉnh mới vừa có đường bờ biển dài, vừa có rừng, núi non giúp đa dạng trải nghiệm của du khách.
Chuỗi sản phẩm “cao nguyên - biển” kết nối sẽ thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Sự tương hỗ giữa du lịch 3 tỉnh hứa hẹn tạo nên điểm nhấn mới, khai thác tối ưu thế mạnh từng vùng.
Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng mới sở hữu hệ sinh thái trải dài từ cao nguyên xuống biển, hình thành một quỹ đất lớn để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, khai thác hiệu quả các vùng sinh thái đặc thù.
Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, việc hợp nhất sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đồng bộ các dịch vụ hành chính số, chính quyền số, đô thị thông minh.
Công văn nêu rõ: “Việc hợp nhất ba tỉnh là cần thiết, nhằm phát huy tối đa tiềm năng sẵn có, tạo thế và lực mới, đưa vùng đất này trở thành trung tâm năng động của Nam Trung Bộ – Tây Nguyên”.
![]() |
Vường thanh long tại Bình Thuận - Ảnh: Hồng Hiếu/BNEWS/TTXVN |
Năm 2024, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Theo Chi cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 theo giá hiện hành đạt 134.289,3 tỷ đồng, tăng 15,59% so với năm trước.
Ngoài ra, năm 2024, Lâm Đồng đón khoảng 600.000 lượt khách quốc tế, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 109,1% kế hoạch năm; khách nội địa ước đạt 9,4 triệu lượt, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu từ du lịch ước đạt 18 nghìn tỷ đồng.
Tại tỉnh Đắk Nông, GRDP năm 2024 ước tăng 4,87% so với năm trước, là mức tăng trưởng đứng thứ 3 khu vực Tây Nguyên. GRDP bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 81,66 triệu đồng/người, tăng 19,73%.
Về du lịch, theo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, du lịch là một trong những lĩnh vực tăng trưởng ổn định nhất của Đắk Nông trong năm 2024. Doanh thu du lịch của tỉnh trong năm 2024 đạt 195 tỷ đồng, tăng 21,87% so với năm 2023, đạt 101,5% kế hoạch năm đề ra. Số lượng khách quốc tế đến Đắk Nông năm 2024 ước đạt 6.200 lượt, tăng 14,8% so với năm 2023, đạt 95,4% kế hoạch năm đề ra.
Tại tỉnh Bình Thuận, năm 2024, GRDP của tỉnh tăng 7,25% so với năm trước. Mức tăng này không đạt kỳ vọng theo kế hoạch đã đề ra, tuy nhiên đây là mức tăng trưởng khá so với mặt bằng chung của cả nước.
Theo Chi cục Thống kê tỉnh Bình Thuận, lượng khách du lịch đến địa phương năm 2024 ước đạt 9.657 nghìn lượt, tăng 15,64% so với năm 2023. Trong đó, lượng khách quốc tế ước đạt 393,3 nghìn lượt khách, tăng 43,41% so với năm trước. Khách quốc tế đến tỉnh trong năm 2024 chủ yếu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Đức, Anh, Mỹ, Pháp, Hà Lan...