Sáng 26/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt, đã chủ trì phiên họp lần thứ hai của Ban Chỉ đạo tại Trụ sở Chính phủ, kết nối trực tuyến với 9 tỉnh, thành phố có dự án đường sắt trên địa bàn.

Hội nghị có sự tham dự của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và đại diện nhiều tập đoàn kinh tế lớn.

Thủ tướng chỉ đích danh 2 doanh nghiệp tham gia vào dự án đường sắt
Hình ảnh tại buổi làm việc

Tại phiên họp, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của các Bộ, ngành và địa phương trong tổ chức triển khai 24 nhiệm vụ được giao sau phiên họp lần thứ nhất. Theo báo cáo, trong 19 nhiệm vụ có tiến độ cụ thể, đã hoàn thành 6 nhiệm vụ, còn 1 nhiệm vụ chậm và 12 nhiệm vụ đang trong hạn hoàn thành.

Chỉ đích danh VNPT và Viettel tham gia đường sắt

Thủ tướng chỉ đích danh 2 tập đoàn viễn thông lớn là VNPT và Viettel tham gia trực tiếp vào các dự án đường sắt, với nhiệm vụ nghiên cứu tiếp nhận, phát triển và làm chủ công nghệ hệ thống thông tin, tín hiệu và điều khiển.

Song song, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng đề án phát triển công nghiệp đường sắt, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo đào tạo đầy đủ các trình độ phục vụ ngành đường sắt.

Thủ tướng nêu rõ tinh thần "không thay đổi mốc tiến độ" đã đề ra, khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025 và tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào năm 2026.

Để đảm bảo tiến độ, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương khẩn trương hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù; yêu cầu Bộ Xây dựng và Bộ Tư pháp trình Chính phủ các nghị quyết thống nhất trong tháng 4/2025 và trình Quốc hội trước ngày 5/5/2025.

Thủ tướng chỉ đích danh 2 doanh nghiệp tham gia vào dự án đường sắt
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Xây dựng giao các tập đoàn như VNPT, Viettel tham gia vào dự án đường sắt

Bốn nghị định quan trọng cũng được yêu cầu hoàn tất trong tháng 5/2025, bao gồm: nghị định về thiết kế kỹ thuật và cơ chế đặc thù cho đường sắt; nghị định về tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, hàng hóa; nghị định về phát triển khoa học công nghệ đường sắt; và nghị định về tạm sử dụng, hoàn trả rừng.

Về huy động vốn, Thủ tướng chỉ đạo đa dạng hóa nguồn lực từ vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn vay, trái phiếu Chính phủ và hình thức hợp tác công - tư (PPP).

Đối với dự án tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Thủ tướng giao các cơ quan liên quan tiếp tục thúc đẩy trao đổi với phía Trung Quốc để sớm hoàn thành đàm phán hiệp định vay vốn, bảo đảm tiến độ triển khai dự án.

Riêng với các tuyến metro tại Hà Nội và TP. HCM, Thủ tướng yêu cầu 2 thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai Nghị quyết 188/2025/QH15, vận dụng tối đa cơ chế phân cấp, phân quyền để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh: với khí thế lịch sử 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các thành viên Ban Chỉ đạo, các Bộ ngành, địa phương cần "thần tốc hơn nữa", "táo bạo hơn nữa", phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả.

Thủ tướng yêu cầu toàn hệ thống chính trị chung tay đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành đường sắt, coi đây là động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước trong những thập kỷ tới.