Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tháng 6 ghi nhận 65 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với tổng giá trị lên tới 86.953 tỷ đồng. Nhờ đó, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành từ đầu năm đến nay đạt 230.029 tỷ.

Nhóm ngân hàng tiếp tục dẫn đầu với tổng giá trị phát hành lũy kế đạt 177.122 tỷ đồng, chiếm đến 77% toàn thị trường. Bất động sản xếp thứ hai, với giá trị phát hành 41.405 tỷ đồng (chiếm 18%).

Đáng chú ý, các doanh nghiệp cũng tăng cường mua lại trái phiếu trước hạn nhằm cơ cấu lại nguồn vốn. Riêng trong tháng 6, giá trị mua lại trước hạn đạt 39.265 tỷ đồng - tăng tới 54% so với cùng kỳ năm 2024. Một số giao dịch nổi bật gồm: Sovico (500 tỷ đồng), KITA Invest (gần 400 tỷ đồng), Tổng Công ty Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị (500 tỷ đồng).

Từ nay đến cuối năm 2025, thị trường sẽ đối mặt với 131.601 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó trái phiếu bất động sản chiếm 53% với gần 70.000 tỷ, đặt ra thách thức lớn về thanh khoản và tái cấu trúc nợ cho doanh nghiệp.

Ngược lại, thị trường sẽ đón nhận các đợt phát hành quy mô lớn từ các tổ chức tín dụng như:

- Agribank lên kế hoạch phát hành tối đa 10.000 tỷ đồng trái phiếu công chúng, kỳ hạn 10 năm, lãi suất thả nổi, không tài sản đảm bảo.

- Eximbank dự kiến phát hành trái phiếu riêng lẻ tối đa 10.000 tỷ đồng, kỳ hạn tối đa 5 năm, lãi suất kết hợp cố định và thả nổi.