Trong bức tranh tổng thể về phát triển hạ tầng giao thông quốc gia, đường sắt đang được Chính phủ khởi động như một chiến lược dài hơi, hướng đến mô hình phát triển đồng bộ, hiện đại và bền vững. Nhiều dự án trọng điểm đang được thúc đẩy mạnh mẽ, từ tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam, tuyến Hà Nội – Lào Cai, cho đến các tuyến metro tại Hà Nội và TP. HCM.

Theo ước tính sơ bộ, tổng vốn đầu tư cho các dự án đường sắt bao gồm cả tuyến mới, cải tạo hạ tầng cũ và các hệ thống bổ trợ, có thể lên tới hàng trăm tỷ USD. Đây là "miếng bánh" hạ tầng chưa từng có về quy mô, mở ra cơ hội hiếm có để các doanh nghiệp trong nước khẳng định năng lực và tham gia sâu vào chuỗi giá trị quốc gia.

Một số tập đoàn lớn đã bắt đầu nhập cuộc. Tập đoàn Hòa Phát (HPG) công bố có đủ năng lực sản xuất và cung cấp thanh ray cùng các loại thép đặc chủng cho các dự án đường sắt cao tốc. Thaco và Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy cũng chứng minh năng lực chế tạo các loại toa tàu theo tiêu chuẩn quốc tế. Tập đoàn Đèo Cả đã chủ động cử nhiều cán bộ đi nước ngoài đào tạo chuyên sâu, chuẩn bị nguồn lực để tham gia vào các đại công trình quốc gia.

Tuy nhiên, cơ hội không chỉ dành riêng cho những doanh nghiệp lớn. Trong thông điệp "phải đi cùng nhau" mà Chính phủ đưa ra, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là ở địa phương, hoàn toàn có thể tìm thấy vai trò phù hợp trong chuỗi cung ứng đa dạng và rộng mở của ngành đường sắt. Đồng thời, các địa phương có tuyến đường sắt đi qua cũng đứng trước thời cơ để chuyển mình mạnh mẽ, nếu biết hành động đúng thời điểm.

Ga Vinh – vị trí chiến lược giữa trục động lực quốc gia

Tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam được quy hoạch với 23 ga hành khách, trong đó có dự kiến ga Vinh. Ga Vinh (tỉnh Nghệ An) đóng vai trò là một trong những điểm dừng chiến lược của khu vực Bắc Trung Bộ. Với vị trí nằm giữa trục động lực kinh tế – giao thông, ga Vinh có khả năng trở thành điểm kết nối quan trọng giữa miền Bắc, Trung và Nam, đồng thời liên thông với tuyến đường sắt hiện hữu, hệ thống cao tốc Bắc – Nam phía Đông, quốc lộ 1A, sân bay quốc tế Vinh và cảng biển nước sâu Cửa Lò.

Từ lợi thế này, Vinh có thể vươn lên trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa và hành khách đa phương thức, đồng thời là cửa ngõ giao thương quốc tế giữa các tỉnh miền Tây Nghệ An, nước bạn Lào và khu vực Đông Bắc Thái Lan với các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TP. HCM.

Xa hơn, nếu có tầm nhìn quy hoạch đúng hướng, khu vực xung quanh ga Vinh có thể phát triển thành các trung tâm logistics, khu công nghiệp hỗ trợ, tổ hợp thương mại – dịch vụ và thậm chí là các đô thị vệ tinh theo mô hình TOD (Transit-Oriented Development – phát triển đô thị gắn với hạ tầng giao thông công cộng). Khi đó, mỗi nhà ga không chỉ đơn thuần là điểm dừng kỹ thuật, mà trở thành "hạt nhân" thúc đẩy kinh tế địa phương.

Bản đồ cơ hội đầu tư trong miếng bánh đường sắt trăm tỷ USD: Điểm đến ga Vinh, ai sẽ đón tàu?
Ga Vinh

Doanh nghiệp Nghệ An đã sẵn sàng “lên tàu”?

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước và đang dần nổi lên như một cực tăng trưởng mới ở Bắc Trung Bộ. Với lợi thế sở hữu Khu kinh tế Đông Nam, sân bay quốc tế, cảng biển và loạt khu công nghiệp hiện đại như VSIP Nghệ An, WHA, Hoàng Mai I – II, cùng hệ thống hạ tầng đang được nâng cấp mạnh mẽ, tỉnh này có nền tảng đủ vững chắc để bước vào cuộc chơi lớn của ngành đường sắt cao tốc.

Tuy nhiên, vấn đề then chốt đặt ra là: Liệu cộng đồng doanh nghiệp Nghệ An đã thực sự sẵn sàng để tham gia vào một dự án hạ tầng mang tính thế kỷ, cả về quy mô đầu tư lẫn yêu cầu công nghệ? Trong khi các tập đoàn lớn trên cả nước đã bắt đầu chuẩn bị, nhiều doanh nghiệp địa phương vẫn còn trong trạng thái "nghe ngóng", chưa chủ động tìm hiểu, chưa lên kế hoạch tham gia. Trong khi đó, quá trình khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, chuẩn bị pháp lý và huy động vốn cho dự án đã và đang được đẩy nhanh.

Nếu doanh nghiệp trong tỉnh không chủ động từ sớm – từ việc đào tạo nhân lực, chuẩn bị tài lực, cập nhật thông tin thì có thể bị đứng ngoài cuộc chơi, ngay trên chính sân nhà, là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo các chuyên gia, một trong những điều kiện tiên quyết để tận dụng được cơ hội lịch sử này là cần có sự phối hợp nhịp nhàng và chủ động giữa chính quyền địa phương với cộng đồng doanh nghiệp.

Chính quyền cần sớm tiếp cận thông tin từ các Bộ, ngành Trung ương; cập nhật kịp thời các quy hoạch liên quan đến đường sắt cao tốc, định vị rõ vai trò và lợi thế chiến lược của ga Vinh trong chiến lược phát triển vùng Bắc Trung Bộ. Đồng thời, cần xây dựng quy hoạch vùng phụ cận ga, xác định các khu vực ưu tiên phát triển đô thị, công nghiệp, logistics và dịch vụ thương mại.

Về phía doanh nghiệp, cần chủ động tiếp cận thông tin dự án, phân tích và đánh giá các cơ hội tham gia trong chuỗi giá trị thi công – xây dựng – vận hành – bảo trì – dịch vụ hậu cần.

Việc hình thành các liên minh ngành nghề, hợp tác theo mô hình cụm doanh nghiệp, hoặc xây dựng các hiệp hội theo lĩnh vực sẽ giúp doanh nghiệp địa phương nâng cao năng lực cạnh tranh, chia sẻ thông tin và tăng khả năng trúng thầu trong các gói thầu lớn.

Ngoài ra, việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới theo mô hình đô thị – giao thông tích hợp như kho vận thông minh, trung tâm logistics, tổ hợp dịch vụ nghỉ chân, trung tâm thương mại gắn với nhà ga cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chuyến tàu đã cất bánh – những ai sẽ thật sự nhập cuộc?

Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam không chỉ là một bước tiến về hạ tầng giao thông, mà còn là đòn bẩy tái cấu trúc lại mô hình phát triển đô thị, công nghiệp và dịch vụ của từng địa phương mà nó đi qua. Với Nghệ An, nếu xác định ga Vinh không đơn thuần là một công trình hạ tầng, mà là trục xương sống mở ra tương lai, thì hành động cần bắt đầu từ hôm nay – không phải ngày mai.

Bởi cơ hội không chờ đợi ai. Chuyến tàu đến với "miếng bánh trăm tỷ USD" này sẽ mang lại lợi ích dài hạn cho những địa phương và doanh nghiệp sẵn sàng nhập cuộc đúng thời điểm. Câu hỏi đặt ra không còn là khi nào dự án sẽ được triển khai?, mà là chúng ta đã sẵn sàng để bước lên tàu hay chưa?