Phổ Nhĩ, vùng đất nổi tiếng với trà lên men trứ danh thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, đang chứng kiến một sự chuyển mình đáng chú ý: cà phê – “đối thủ truyền thống” của trà – đang dần chiếm lĩnh vị thế trong văn hóa tiêu dùng hiện đại, đặc biệt là với giới trẻ. Tỉnh Vân Nam là tỉnh có nhiều cây trà cổ thụ nhất Trung Quốc, phân bố chủ yếu ở tây, nam và đông nam của Vân Nam, trong đó có nhiều rừng trà nguyên sinh. Các chủng loại trà của Vân Nam rất phong phú, ngoại trừ bạch trà và hoàng trà ra, sản lượng các loại chè khác đều khá lớn.

Thủ phủ trà Trung Quốc trở thành nơi dẫn đầu cả nước về sản lượng cà phê: Sự chuyển mình âm thầm nhưng quyết liệt
Trà phổ nhĩ Lão Ban Chương được goi là“Mao Đài” trong các loại trà

Khi xu hướng tiêu dùng chuyển dịch sang các loại cà phê như espresso, latte hay flat white, nhiều nông dân trồng chè đã mạnh dạn chuyển hướng sang loại cây từng xa lạ với vùng đất này. Phổ Nhĩ hiện nay cung cấp hàng chục nghìn tấn cà phê mỗi năm cho các đô thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải – nơi các quán cà phê mọc lên nhanh chóng để phục vụ nhóm khách hàng trẻ trong độ tuổi 20-40.

Theo People's Daily, trong mùa vụ 2023–2024, Phổ Nhĩ có diện tích trồng cà phê đạt khoảng 45.000 ha, sản lượng đạt 58.000 tấn, chiếm vị trí dẫn đầu cả nước về diện tích và sản lượng cà phê .

Tại một quán cà phê nhỏ nằm nép mình bên sườn núi, Liao Shihao, 25 tuổi, đang pha những ly cà phê nóng hổi với nguyên liệu được trồng ngay tại địa phương. Anh là chuyên gia rang xay và barista được đào tạo bài bản, và là thế hệ thứ ba trong gia đình gắn bó với đồn điền cà phê "Thung lũng nhỏ" (Xiaowazi) – nơi sản xuất khoảng 500 tấn quả cà phê tươi mỗi năm, áp dụng phương pháp canh tác tự nhiên, không hóa chất, trồng xen để bảo tồn đa dạng sinh học. “Ngày càng có nhiều người đến quán để thưởng thức cà phê pha thủ công. Trước đây, mọi người chỉ quen với cà phê thương mại”, Liao chia sẻ.

Thủ phủ trà Trung Quốc trở thành nơi dẫn đầu cả nước về sản lượng cà phê: Sự chuyển mình âm thầm nhưng quyết liệt
Cà phê Vân Nam

Cà phê chỉ bắt đầu được trồng thương mại ở Phổ Nhĩ từ những năm 1980. Ông nội của Liao, ông Liao Xiugui, là một trong những người đầu tiên học kỹ thuật canh tác cà phê tại Trung Quốc. Ông nhớ lại: “Khi tôi đến đây vài chục năm trước, không ai biết đến cà phê”. Ông cho biết, địa hình cao và khí hậu ôn hòa của Phổ Nhĩ rất lý tưởng cho cây cà phê. Theo ông, cà phê nơi đây có hương vị “đậm đà, không quá đắng, mang hương hoa nhẹ và chút vị trái cây”. Hiện tại, dù đã 83 tuổi, ông Liao Xiugui vẫn uống 2–3 ly cà phê mỗi ngày, và cho rằng thói quen này giúp ông khỏe mạnh và minh mẫn: “Cà phê giúp bạn trẻ trung, ngăn lão hóa... và nạp thêm năng lượng cho trí óc trong cuộc sống bận rộn ngày nay”.

Theo truyền thông Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm Vân Nam mới đây đã tuyên bố rằng cà phê Vân Nam "đại diện cho Trung Hoa", đồng thời cam kết hỗ trợ toàn diện cho ngành cà phê – từ sản xuất đến xuất khẩu. Đây là một phần trong chiến lược quốc gia nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa thông qua kết hợp nông nghiệp với du lịch. Mặc dù sản lượng cà phê của Trung Quốc còn khiêm tốn so với các cường quốc như Brazil, Việt Nam hay Colombia, nhưng tốc độ tăng trưởng những năm gần đây cho thấy tiềm năng to lớn. Hiện nay, riêng tỉnh Vân Nam chiếm gần như toàn bộ sản lượng cà phê nội địa.

Với sự bùng nổ văn hóa cà phê, sự hỗ trợ từ chính phủ và tinh thần đổi mới của thế hệ trẻ, Phổ Nhĩ đang từ từ khẳng định tên tuổi trên bản đồ cà phê thế giới – không chỉ là vùng trà trứ danh, mà còn là vùng đất của hạt cà phê đầy triển vọng.