Kết phiên sáng 4/7, nhóm cổ phiếu bất động sản đồng loạt tăng mạnh như DLG (+6,9%), PTL (+6,9%), LDG (+6%), TCH (+5,6%), DIG (+4,3%), HHS (+4%). Các mã PDR, NTL, CRE, DPG cũng ghi nhận mức tăng trên 3%.
![]() |
Cổ phiếu bất động sản đồng loạt tăng trong phiên sáng 4/7 và đã bứt phá hàng chục % trong 3 tháng trở lại đây |
Diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu địa ốc diễn ra trong bối cảnh mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã gửi báo cáo tới Bộ Tài chính, dự báo về xu hướng giá đất phục vụ công tác quản lý, điều hành trong quý III và cả năm 2025.
Theo Bộ TN&MT, việc bỏ khung giá đất và ban hành bảng giá đất tiệm cận thị trường đã góp phần quản lý đất đai minh bạch hơn, thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số địa phương chưa kịp thời cập nhật biến động giá đất, dẫn đến việc bảng giá đất chưa phản ánh đúng giá trị thực tế. Ngoài ra, một số địa phương ghi nhận sự chênh lệch lớn giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất.
Bộ TN&MT cảnh báo tình trạng này có thể bị lợi dụng để trục lợi qua đấu giá, gây biến động thị trường nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
"Thời gian tới, nhiều địa phương sẽ ban hành bảng giá đất mới, dẫn đến sự biến động lớn về giá đất điều chỉnh. Mỗi địa phương sẽ có biên độ điều chỉnh khác nhau, do đó thị trường bất động sản sẽ chịu nhiều tác động", báo cáo của Bộ TN&MT nêu.
Trong kiến nghị gửi Chính phủ, Bộ TN&MT nhấn mạnh cần theo dõi, cập nhật kịp thời biến động giá đất trên thị trường; từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất đến từng thửa đất. Với các khu vực mà bảng giá đất chưa phù hợp với thực tế, UBND cấp tỉnh cần căn cứ vào điều kiện cụ thể tại địa phương để điều chỉnh cho phù hợp, với thời gian áp dụng kéo dài đến hết ngày 31/12/2025.
Việc điều chỉnh bảng giá đất phải thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 17, Nghị định số 71/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời, các quy định tại nghị định này sẽ tiếp tục được rà soát, sửa đổi để phù hợp hơn với thực tiễn.
Bộ TN&MT cũng đề xuất cần rà soát các quy định tại một số luật liên quan như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… nhằm đánh giá toàn diện tác động lẫn nhau đến giá nhà và đất.
"Việc mở rộng phạm vi và đối tượng áp dụng bảng giá đất, đồng thời thu hẹp các trường hợp cần xác định giá đất cụ thể, là rất cần thiết. Cũng cần quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong việc tính toán nghĩa vụ tài chính", Bộ TN&MT nêu rõ.
Bộ này cũng kiến nghị rà soát lại các bảng giá đất đã ban hành theo Luật Đất đai 2013 để điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2024, có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.
Trao đổi với PV VietNamNet, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường Đại học Nguyễn Trãi) nhận định: Việc ban hành bảng giá đất mới tại nhiều địa phương theo hướng tiệm cận với giá thị trường là một chủ trương cải cách lớn, có ảnh hưởng sâu rộng tới thị trường bất động sản, người dân, doanh nghiệp, Ngân sách Nhà nước cũng như chiến lược phát triển bền vững của đất nước.
Với các doanh nghiệp bất động sản, lo ngại là chi phí đầu vào sẽ tăng. Tuy nhiên, ông Huy cho rằng nếu giá đất được xác lập công khai, minh bạch, doanh nghiệp sẽ giảm được rủi ro pháp lý, rút ngắn thời gian đàm phán và dễ dàng hơn trong tiếp cận đất đai hợp pháp.
"Trong ngắn hạn, việc điều chỉnh bảng giá đất có thể tạo ra một số 'nút thắt' cần tháo gỡ. Nhưng về lâu dài, đây là cơ hội để tái cấu trúc thị trường bất động sản theo hướng minh bạch, hiệu quả và công bằng hơn, góp phần xóa bỏ các 'bong bóng' giá và những bất cập tồn tại bấy lâu nay", ông Huy nhấn mạnh.