Vị đại gia 'cứu Xuân Son' sắp rót 500 tỷ vào một CTCK: Vừa cạnh tranh với Hòa Phát, vừa tham vọng bám đuổi TCBS, SSI
Tập đoàn Xuân Thiện đẩy mạnh đầu tư vào mảng năng lượng

Tại ĐHCĐ thường niên CTCP Chứng khoán Sen Vàng (GLS) ngày 30/6, doanh nghiệp này thông qua kế hoạch chào bán 151,5 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cp, tương đương tổng giá trị huy động lên tới 1.515 tỷ đồng.

Danh sách nhà đầu tư tham gia đợt phát hành có sự xuất hiện đáng chú ý của ông Nguyễn Văn Thiện – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xuân Thiện. Ông Thiện dự kiến mua 50 triệu cổ phiếu, tương đương gần 33% số cổ phần phát hành, số tiền dự chi khoảng 500 tỷ đồng.

Cùng tham gia còn có ông Nguyễn Tấn Dũng (51,5 triệu cổ phiếu), phần còn lại do CTCP Tài chính Quốc tế Xuân Thiện mua. Đáng chú ý, Tài chính Quốc tế Xuân Thiện mới được thành lập ngày 27/6 với vốn điều lệ lên tới 8.000 tỷ đồng, trong đó ông Thiện nắm giữ 70% vốn.

Ông Nguyễn Văn Thiện sinh năm 1970, là con trai ông Nguyễn Xuân Thành – nhà sáng lập Tập đoàn Xuân Thành, đồng thời là em trai ông Nguyễn Đức Thụy – Chủ tịch LPBank. Ngoài vai trò doanh nhân, ông Thiện còn là nhà tài trợ chính của CLB Thép Xanh Nam Định từ năm 2022 – đội bóng vô địch V-League hai mùa gần nhất.

Vị đại gia 'cứu Xuân Son' sắp rót 500 tỷ vào một CTCK: Vừa cạnh tranh với Hòa Phát, vừa tham vọng bám đuổi TCBS, SSI

Ông Nguyễn Văn Thiện được Nguyễn Xuân Son kính trọng, gọi là Papa (cha)

Vị doanh nhân này từng gây chú ý với tuyên bố “dùng mọi cách để điều trị cho Xuân Son” – cầu thủ Thép Xanh Nam Định bị chấn thương nặng tại chung kết lượt về ASEAN Cup 2024. Đây cũng là minh chứng cho sự cam kết đầu tư không chỉ trong thể thao mà còn mở rộng sang lĩnh vực tài chính.

Tập đoàn Xuân Thiện – được thành lập năm 2000 – hoạt động đa ngành gồm vật liệu xây dựng, nông nghiệp công nghệ cao, logistics, bất động sản và năng lượng. Vốn điều lệ doanh nghiệp tại thời điểm đầu năm 2022 là 5.950 tỷ đồng trong đó, Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình góp vốn lớn nhất với hơn 3.643 tỷ (61,24% vốn). Ông Thiện góp 1.683 tỷ đồng, tương ứng 28,28% vốn.

Cuối tháng 6/2025, tập đoàn đã khởi công nhà máy thép tại tỉnh Ninh Bình (Nam Định cũ) rộng 400ha, tổng vốn đầu tư lên tới 98.000 tỷ đồng.

Với GLS, ngoài đợt chào bán riêng lẻ, công ty còn dự kiến chào bán 135 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:10. 65% vốn huy động dùng cho vay ký quỹ và ứng trước tiền bán chứng khoán, 30% cho tự doanh và 5% còn lại bổ sung vốn lưu động.

Nếu thành công cả hai đợt, vốn điều lệ GLS sẽ tăng mạnh lên 3.000 tỷ đồng. Không dừng lại ở đó, lãnh đạo công ty đặt tham vọng nâng vốn lên 20.000 tỷ đồng trong các năm tới – gia nhập nhóm Top 3 công ty chứng khoán có vốn lớn nhất, chỉ sau TCBS và SSI.

Năm 2025, GLS đặt kế hoạch doanh thu 179 tỷ đồng và lãi sau thuế 70 tỷ đồng – mức tăng vọt so với kết quả 2024 (doanh thu 14 tỷ, lãi sau thuế chỉ 351 triệu đồng).

Đáng chú ý, GLS cũng trình phương án đổi tên thành “Chứng khoán Xuân Thiện”, nhằm kế thừa giá trị thương hiệu, nguồn lực và vị thế từ Tập đoàn mẹ. Nếu hoàn tất, GLS có thể trở thành một mắt xích tài chính quan trọng trong hệ sinh thái đang mở rộng mạnh mẽ của Xuân Thiện Group.