Theo báo cáo mới công bố của Công ty tư vấn AlixPartners, tính đến năm 2024, Trung Quốc đang sở hữu 129 thương hiệu xe điện (EV), được điều hành bởi khoảng 50 nhà sản xuất khác nhau. Dù bề ngoài cho thấy sự sôi động và đa dạng, bức tranh tài chính bên trong lại đầy u ám: chỉ khoảng 10% thương hiệu được kỳ vọng sẽ sinh lãi trong vòng 5 năm tới. Con số có lãi thực tế hiện tại chỉ đếm trên đầu ngón tay, gồm những tên tuổi lớn như BYD, Li Auto và Aito – hãng xe được Huawei hậu thuẫn.

Cạnh tranh giá là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thua lỗ lan rộng. Từ cuối năm 2023, cuộc đua giảm giá trong ngành xe điện tại Trung Quốc bước vào giai đoạn khốc liệt hơn bao giờ hết, khi hàng loạt hãng đồng loạt tung ưu đãi sâu nhằm giành giật thị phần. Theo 21st Century Business Herald, chỉ trong tuần cuối tháng 5/2025, hơn 70 mẫu xe điện và xe xăng tại Trung Quốc đã được điều chỉnh giảm giá, nhiều mẫu giảm hàng chục nghìn nhân dân tệ.

Nguyên nhân không chỉ đến từ nội tại thị trường mà còn bởi các chương trình khuyến khích tiêu dùng của chính phủ. Bắc Kinh hiện triển khai chính sách đổi xe cũ lấy xe mới, hỗ trợ đến 20.000 nhân dân tệ (khoảng 2.790 USD) cho xe điện, đồng thời miễn thuế tiêu thụ đặc biệt 10% cho dòng xe này. Điều này giúp kích cầu nhưng cũng làm gia tăng áp lực cạnh tranh lên các hãng nhỏ, vốn đã thiếu nguồn lực và lợi thế quy mô.

Xe điện Trung Quốc thảm bại trong cuộc đua sinh tồn, hơn 90% hãng đứng trên bờ vực phá sản
Chỉ khoảng 10% thương hiệu xe điện Trung Quốc được kỳ vọng sẽ sinh lãi trong vòng 5 năm tới. Ảnh minh họa

Trung Quốc hiện là thị trường xe điện lớn nhất thế giới, chiếm hơn 60% doanh số EV toàn cầu trong năm 2024. Các nhà máy tại đây có thể sản xuất tới 20 triệu xe điện mỗi năm. Tuy nhiên, theo AlixPartners, thực tế chỉ khoảng một nửa công suất này được sử dụng, dẫn đến tình trạng dư thừa kéo dài, khiến nhiều hãng phải chịu chi phí cố định lớn trong khi sản lượng bán ra thấp hơn kỳ vọng.

Stephen Dyer, đồng trưởng khu vực Trung Quốc của AlixPartners nhận định: “Thị trường EV Trung Quốc có mức độ cạnh tranh cao nhất thế giới. Tốc độ đổi mới công nghệ nhanh, đối thủ mới xuất hiện liên tục. Môi trường này thúc đẩy tiến bộ công nghệ và hiệu quả chi phí trong việc sản xuất xe điện, nhưng cũng khiến nhiều công ty gặp khó trong việc đạt lợi nhuận bền vững”.

Xe điện Trung Quốc thảm bại trong cuộc đua sinh tồn, hơn 90% hãng đứng trên bờ vực phá sản
Những hãng xe điện Trung Quốc muốn xuất sang châu Âu lại vướng phải hàng rào bảo hộ. Ảnh minh họa

Trong bối cảnh hiện tại, những hãng bán dưới 1.000 xe mỗi tháng được đánh giá là đối tượng dễ bị “bật khỏi đường đua” nhất. Dự báo đến năm 2030, chỉ còn chưa đến 10 hãng EV tại Trung Quốc có thể duy trì được lợi nhuận ổn định, bất chấp quy mô thị trường dự kiến sẽ tăng mạnh – đạt 20 triệu xe mỗi năm, chiếm khoảng 76% tổng lượng xe mới bán ra.

Đáng chú ý, nhóm ít ỏi các hãng đang có lãi như BYD, Li Auto hay Aito không chỉ hưởng lợi từ quy mô lớn, mà còn nhờ năng lực sản xuất tích hợp dọc chuỗi (vertical integration), nền tảng công nghệ riêng và chiến lược định vị thị trường rõ ràng. Trong khi đó, phần lớn các hãng nhỏ hơn, dù có thiết kế sáng tạo hay công nghệ tiên tiến vẫn không thể bù đắp chi phí khi thiếu hệ sinh thái hỗ trợ, mạng lưới phân phối hoặc tài chính vững mạnh.

Trước sức ép nội địa, nhiều hãng xe Trung Quốc đang tìm đường ra thị trường quốc tế, đặc biệt là châu Âu. AlixPartners dự báo sản lượng EV của Trung Quốc tại châu Âu có thể tăng thêm khoảng 800.000 xe mỗi năm vào 2030. Tuy nhiên, tham vọng này đang bị đe dọa bởi chính sách bảo hộ. Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định áp thuế chống trợ cấp từ 17% đến 35,3% đối với xe điện Trung Quốc kể từ tháng 10/2024, sau cuộc điều tra kéo dài một năm về vấn đề cạnh tranh không công bằng.