Sáng 4/7, UBND TP. HCM tổ chức Hội nghị về tình hình, kết quả kinh tế - xã hội tháng 6 đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp tháng 6 cuối năm 2025. Đây là phiên họp đầu tiên của TP. HCM mới, đồng thời cũng là Hội nghị đầu tiên tổ chức trực tuyến với 168 xã phường, đặc khu của TP. HCM.
Tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Văn Được đã nêu những con số đáng chú ý về kết quả tăng trưởng kinh tế xã hội của TP. HCM mới.
Cụ thể, kết thúc 6 tháng đầu năm, GRDP của TP. HCM mới (tính chung 3 địa phương cộng lại) đạt 6,56%, nhưng nếu không trừ dầu thô thì mức tăng trưởng đạt 7,49%. Ngoài ra, quy mô kinh tế của TP. HCM ước tính chiếm khoảng 1/4 GDP của cả nước.
Trong đó, thu ngân sách đạt hơn 372.000 tỷ đồng, đạt gần 53% dự toán. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 16,2%; thu hút vốn FDI đạt hơn 5,2 tỷ đồng. Với lợi thế của 3 địa phương sau hợp nhất, TP. HCM phấn đấu thu hút vốn FDI đạt 10,44 tỷ USD đến hết năm nay.
Trong 6 tháng đầu năm, TP. HCM đã giải ngân hơn 46.600 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt gần 40% so với dự toán Chính phủ giao. Con số giải ngân vốn đầu tư công của TP. HCM mới rất lớn, lên đến 118.948 tỷ đồng.
![]() |
Buổi họp tình hình kinh tế - xã hội TP. HCM sáng 4/7 - Ảnh: Cổng TTĐT TP. HCM |
Nếu tính riêng từng địa phương thì mức tăng trưởng cao nhất thuộc về Bình Dương với 8,3%. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của Bà Rịa - Vũng Tàu 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,61% (chưa tính dầu thô). Riêng TP. HCM, GRDP 6 tháng đầu năm đạt mức tăng cao nhất từ năm 2020 đến nay, với 7,82%. Tăng mạnh nhất là khu vực dịch vụ, với mức 8,58%, tiếp đến là khu vực công nghiệp - xây dựng với 6,7%.
Lãnh đạo TP. HCM nhấn mạnh TP. HCM đang ở trong một tâm thế mới, với dư địa phát triển mới và tầm nhìn chiến lược mới, phấn đấu trở thành một trong những thành phố đáng sống nhất thế giới đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Sau hợp nhất, TP.HCM tiếp tục phân vùng hợp lý, xây dựng các chiến lược và giải pháp phù hợp, bố trí nguồn lực đầu tư theo đặc thù từng địa phương. Thành phố cũng sẽ tận dụng tối đa lợi thế của 3 địa phương cũ để phát triển, "cắt gọn" những vấn đề giao thoa, chồng lấn, vốn là điểm nghẽn của 3 tỉnh thành từng được coi là nổi trội nhất phía Nam.