Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam vừa được “hâm nóng” khi nhiều địa phương gấp rút chuẩn bị mặt bằng và một số doanh nghiệp tư nhân đề nghị tham gia đầu tư.

Đáng chú ý nhất là Liên minh Mekolor – Great USA (Hoa Kỳ) với tuyên bố tự bỏ 100 tỷ USD xây tuyến đường sắt. Dư luận còn đặc biệt chú ý tới liên minh này hơn, khi doanh nghiệp đứng đầu là Mekolor có vốn điều lệ vỏn vẹn 1 tỷ đồng, trụ sở chính nằm trong một ngõ nhỏ tại TP. Cần Thơ.

Trong báo cáo tiền khả thi vừa công bố, đại diện liên minh – ông Võ Xuân Trường (Philipvo) – đã hé lộ khung tài chính và kế hoạch triển khai tham vọng hơn nhiều so với con số ban đầu.

395 tỷ USD cho hạ tầng, điện hạt nhân và phát triển TOD

Theo phương án công bố, liên minh Mekolor - Reat USA không dừng lại ở con số 100 tỷ USD, mà có thể nâng lên đến 395 tỷ USD. Số tiền này được phân bổ rõ ràng vào từng hạng mục như:

  • Hạ tầng đường sắt tốc độ cao: 100 tỷ USD

  • Nhà máy điện hạt nhân: 12 tỷ USD

  • Giải phóng mặt bằng, tái định cư: 16 tỷ USD

  • Hệ thống đô thị TOD dọc tuyến: 268 tỷ USD

Ông Trường khẳng định liên minh đã có tài khoản ủy thác hơn 78.715 tỷ euro tại Deutsche Bank và thêm 30.000 tỷ euro đã chuyển giao về Việt Nam để bảo đảm nguồn vốn. Tính xác thực của con số này hiện chưa được kiểm chứng độc lập; cơ quan chức năng cũng chưa bình luận.

Chi phí đầu tư lớn, Liên minh cho rằng dự án có thể thu về 295–620 tỷ USD sau 15–40 năm khai thác, nhờ bốn dòng nguồn thu chính, gồm:

○ Bán vé: 45-180 tỷ USD

○ Phát triển TOD: 100-150 tỷ USD.

○ Hệ sinh thái dịch vụ ngành: 50-90 tỷ USD.

○ IPO/Blockchain: 100-200 tỷ USD.

hjrjy
Ảnh ông Võ Xuân Trường (Philipvo)

Sẽ nâng cấp lên tốc độ 500km/h, lập công ty dự án vốn 400 tỷ USD

Đáng chú ý trong báo cáo tiền khả thi là kế hoạch, lộ trình triển khai dự án. Theo đó, dự án sẽ được hoàn thành trong 5 năm từ khi có mặt bằng sạch. Thời gian khai thác trong 49 năm, sau đó bàn giao hạ tầng cho Nhà nước. Cụ thể:

○ 2025-2030: Khởi công Hà Nội – Tp.Hồ Chí Minh (1.541km), triển khai 10 TOD...

○ 2030-2035: Hoàn thiện tuyến chính, mở rộng một số tuyến.

○ 2035-2045: Mở rộng TP.HCM-Hòn Khoai, nâng tốc độ lên 500km/h, hoàn thiện các dự án TOD.

Ngoài các phần doanh thu được tính toán chi tiết, ông Philipvo còn tính toán, dự án sẽ mang lại những lợi ích định lượng thiết thực, như tạo ra khoảng 1,2 triệu việc làm trực tiếp và 3,5 triệu việc làm gián tiếp.

Để triển khai dự án, Liên minh dự kiến lập CTCP Great Rail với vốn điều lệ 400 tỷ USD để điều hành. Công ty cam kết:

  • Quản trị theo chuẩn quốc tế, công khai mọi giao dịch tài chính, có thành viên HĐQT độc lập.

  • Triển khai chương trình chuyển giao công nghệ, đặt mục tiêu nội địa hóa 70 % sản xuất sau 10 năm.

  • 95 % nhân lực là người Việt Nam; riêng chương trình đào tạo dự kiến 10.000 kỹ sư chất lượng cao.

Trong báo cáo, đại diện Mekolor – Great USA thừa nhận, liên minh chưa có kinh nghiệm và nền tảng về công nghệ. Tuy nhiên, đánh giá được tiềm năng phát triển, liên minh sẵn sàng đầu tư chi phí cao để nhận chuyển giao công nghệ lõi và huấn luyện đội ngũ để làm chủ toàn bộ, từ các nền tảng công nghệ tiên tiến nhất mà không ngại chi phí. Liên minh sẽ:

● Thực hiện chuyển giao công nghệ toàn diện (Technology Transfer Framework), với mục tiêu nội địa hóa 70% sản xuất trong 10 năm.

● Cam kết 95% nhân lực là người Việt Nam, triển khai chương trình đào tạo 10.000 kỹ sư chất lượng ca

Đề xuất của Mekolor – Great USA mở thêm lựa chọn tài chính cho siêu dự án quốc gia, song các chi tiết về năng lực kỹ thuật, nguồn vốn cùng cơ chế pháp lý vẫn chờ cơ quan có thẩm quyền thẩm định. Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải đang hoàn thiện báo cáo khả thi tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam để trình Chính phủ.