Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đang từng bước khởi động khi nhiều địa phương liên tục cập nhật tiến độ công tác chuẩn bị mặt bằng. Cùng lúc, một số doanh nghiệp tư nhân bắt đầu đề xuất cơ chế để tham gia đầu tư vào siêu dự án này.
Trong đó, đề xuất của Liên minh Mekolor – Great USA (Hoa Kỳ) với tuyên bố tự bỏ ra 100 tỷ USD để triển khai dự án được dư luận quan tâm. Con số này không chỉ gây tò mò bởi quy mô khổng lồ, mà còn bởi những tuyên bố về năng lực tài chính và kế hoạch triển khai đầy tham vọng đi kèm. Dư luận còn đặc biệt chú ý tới liên minh này hơn, khi doanh nghiệp đứng đầu là Mekolor có vốn điều lệ vỏn vẹn 1 tỷ đồng, trụ sở chính nằm trong một ngõ nhỏ tại TP. Cần Thơ.
Ông Võ Xuân Trường (Philipvo), người đại diện của liên minh, liên tục cập nhật thông tin về dự án trên trang cá nhân. Trong thông báo ngày 11/6, ông từng khẳng định sẽ tổ chức họp báo chính thức để công bố đề xuất đầu tư ngay trong tháng 6. Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 7, kết quả của buổi họp báo vẫn chưa được công bố.
Mới đây, ông Trường tiếp tục công bố bản báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án. Theo đó, tổng mức đầu tư không dừng ở con số 100 tỷ USD, mà có thể lên tới 395 tỷ USD. Số tiền này bao gồm cả chi phí xây dựng nhà máy điện hạt nhân, giải phóng mặt bằng và phát triển hệ thống đô thị vệ tinh theo mô hình TOD (Transit Oriented Development).
Để thực hiện kế hoạch, ông Trường cho biết sẽ thành lập Công ty cổ phần Great Rail với vốn điều lệ dự kiến lên tới 400 tỷ USD (tương đương hơn 10,4 triệu tỷ đồng). Đây là con số vượt xa tổng tài sản của các ngân hàng lớn tại Việt Nam hiện nay, như Vietcombank (VCB) khoảng 2,1 triệu tỷ đồng hay BIDV (BID) gần 2,9 triệu tỷ đồng.
![]() |
Ảnh ông Võ Xuân Trường (Philipvo) |
Ông Trường cũng cam kết Great Rail sẽ vận hành theo mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại, với các nguyên tắc minh bạch, công khai và giám sát chặt chẽ các quyết định tài chính. Hội đồng quản trị của công ty sẽ bao gồm các thành viên độc lập, được lựa chọn theo tiêu chí chuyên nghiệp.
Ngoài ra, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi còn đề cập đến kế hoạch chuyển giao công nghệ và phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Cụ thể:
-
Thực hiện chương trình chuyển giao công nghệ toàn diện, với mục tiêu nội địa hóa 70% hoạt động sản xuất trong 10 năm.
-
Cam kết sử dụng 95% nhân lực là người Việt Nam và đào tạo 10.000 kỹ sư chất lượng cao để vận hành và phát triển dự án.
Về chính sách, liên minh Mekolor - Great USA đề xuất Chính phủ xem xét cơ chế giải phóng mặt bằng riêng biệt, mang tính đột phá, nhằm tháo gỡ các nút thắt liên quan đến thủ tục đất đai và đảm bảo tiến độ thi công toàn dự án trong 5 năm như cam kết.
Liên quan đến nguồn vốn, ông Trường khẳng định liên minh đang sở hữu các tài khoản ủy thác có tổng giá trị hơn 78.715 tỷ euro tại Deutsche Bank và 30.000 tỷ euro tại VietinBank. Trước đó, trong “Thư cam kết ký quỹ nguồn vốn” ngày 21/6, ông cũng nhấn mạnh rằng đã chuyển giao 30.000 tỷ euro để phục vụ các dự án tại Việt Nam – một tuyên bố được ông tái khẳng định nhiều lần trên các nền tảng cá nhân.
Không chỉ dừng lại ở đề xuất đầu tư vào đường sắt tốc độ cao, liên minh Mekolor – Great còn công bố một loạt dự án khác như kế hoạch triển khai “Great Taxi” – hệ thống xe điện với quy mô 150.000 xe, tổng vốn đầu tư lên tới 10 tỷ euro.
Một dự án được tuyên bố là đã giải ngân thực tế là nhà máy xử lý rác tại Florida (Hoa Kỳ) với mức đầu tư 200 triệu USD. Tuy nhiên, thông tin cập nhật sau đó từ ông Trường chỉ là một bức ảnh chụp ông cùng một nhóm người đứng trước một nhà máy có dấu hiệu cũ kỹ, xung quanh là sân cỏ mọc um tùm.
Việc mở rộng cơ hội cho tư nhân tham gia vào các dự án hạ tầng trọng điểm, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, là một hướng đi quan trọng. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được những đề xuất lớn như của liên minh Mekolor – Great, dư luận vẫn chờ đợi thêm các bước triển khai cụ thể, minh bạch và đáng tin cậy.