Theo báo cáo mới nhất từ HSBC, các hộ gia đình Ấn Độ đang nắm giữ khoảng 25.000 tấn vàng, vượt qua tổng lượng vàng dự trữ của 10 ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới.
Con số này phản ánh vai trò quan trọng của vàng trong văn hóa và kinh tế Ấn Độ, nơi kim loại quý này không chỉ là phương tiện lưu giữ tài sản mà còn gắn liền với các sự kiện trọng đại như đám cưới, lễ hội và nghi thức tôn giáo.
Vàng – Trụ cột kinh tế và tài sản gia đỉnh ở Ấn Độ
Từ lâu, vàng đã trở thành một kênh đầu tư an toàn của người dân Ấn Độ, giúp bảo vệ tài sản trước lạm phát, bất ổn kinh tế và biến động tiền tệ. Nhu cầu mua vàng ở Ấn Độ không suy giảm bất chấp giá vàng toàn cầu biến động mạnh. Quốc gia này hiện là thị trường tiêu thụ vàng lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc, với lượng nhập khẩu hàng năm đóng góp đáng kể vào thâm hụt thương mại.
Trong bối cảnh giá vàng liên tục leo thang, người dân Ấn Độ không những không bán ra mà còn tích trữ nhiều hơn, đặc biệt khi giá vượt mốc 60.000 INR/10 gram. Theo các chuyên gia trong ngành trang sức, tỷ lệ bán lại vàng cũ trước đây chiếm khoảng 30% tổng lượng vàng giao dịch thì nay đã tăng lên 40-45%, cho thấy sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng.
Không chỉ các hộ gia đình, các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đang đẩy mạnh tích trữ vàng. Xu hướng này gia tăng mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, khi các quốc gia tìm cách giảm phụ thuộc vào trái phiếu chính phủ Mỹ và đa dạng hóa dự trữ ngoại hối.
Trước đây, các ngân hàng trung ương chỉ mua trung bình 400-500 tấn vàng mỗi năm. Tuy nhiên, trong 2-3 năm qua, con số này đã tăng lên hơn 1.000 tấn/năm. Điều này phản ánh xu hướng "phi đô la hóa" của nhiều nền kinh tế, trong đó vàng ngày càng được xem là tài sản chiến lược thay thế USD.
Bên cạnh đó, các quỹ ETF vàng cũng đang quay trở lại mạnh mẽ, đặc biệt tại Bắc Mỹ, sau giai đoạn suy giảm kéo dài 4-5 năm. Sự gia tăng dòng vốn đầu tư vào các quỹ ETF vàng có thể tiếp tục tạo động lực tăng giá cho kim loại quý này trong thời gian tới.
Các chuyên gia cho rằng vàng vẫn có tiềm năng tăng giá trong trung và dài hạn, với nhiều yếu tố hỗ trợ như bất ổn địa chính trị, lạm phát và nhu cầu trú ẩn tài sản. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo về nguy cơ suy giảm nhu cầu vật chất khi giá vàng ở mức cao, có thể làm chậm đà tăng của kim loại quý này.
Dù vậy, với tâm lý chuộng vàng ăn sâu trong văn hóa và lịch sử, cùng với chiến lược tích trữ vàng của các ngân hàng trung ương, thị trường vàng toàn cầu có thể tiếp tục chứng kiến những đợt tăng giá trong những năm tới.
![]() |
Các hộ gia đình Ấn Độ đang nắm giữ khoảng 25.000 tấn vàng, vượt qua tổng lượng vàng dự trữ của 10 ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới. |
Ấn Độ nhập khẩu vàng từ 48 quốc gia trong năm tài chính 2023-2024
Theo thông tin mới nhất được Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ công bố, quốc gia này đã nhập khẩu vàng từ 48 quốc gia trong năm tài chính 2023-2024. Việc áp dụng thuế nhập khẩu khác nhau đối với kim loại quý này chủ yếu do lợi ích thương mại chiến lược của Ấn Độ trong các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Cụ thể, thuế nhập khẩu vàng tại Ấn Độ được áp dụng theo hai cơ chế: theo quy chế Tối huệ quốc (MFN) hoặc theo các FTA. Dưới biểu thuế MFN, vàng thỏi chịu mức thuế 6%, trong khi vàng dore (vàng chưa tinh chế) chịu mức thuế 5,35%.
Ngoài ra, Ấn Độ đang thực hiện nhiều mức thuế nhập khẩu ưu đãi với các đối tác thương mại. Theo FTA với ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản và Malaysia, thuế nhập khẩu vàng hiện ở mức 0%. Trong khi đó, theo thỏa thuận thương mại với UAE, vàng thỏi chịu thuế 5% và vàng dore chịu thuế 4,35% trong hạn ngạch thuế quan (TRQ) 160 tấn, còn nếu vượt hạn mức này thì không được hưởng ưu đãi thuế.
Việc Ấn Độ duy trì các mức thuế khác nhau nhằm cân bằng giữa lợi ích của ngành công nghiệp trong nước và các lợi ích kinh tế rộng hơn. Hiện tại, nhu cầu giảm thuế nhập khẩu vàng từ các quốc gia đối tác vẫn đang được xem xét trong quá trình đàm phán các FTA mới.
Theo Times Now, The Economic Times