Sacombank báo lãi kỷ lục hơn 12.720 tỷ đồng trong năm 2024
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã chứng khoán: STB) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2024, ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 12.720 tỷ đồng, tăng 33% so với năm trước. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử của ngân hàng, vượt 20% so với kế hoạch đề ra.
Mặc dù thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự giảm 11%, xuống còn 49.988 tỷ đồng, nhưng nhờ vào việc chi phí lãi giảm mạnh tới 25%, thu nhập lãi thuần của ngân hàng vẫn đạt 24.532 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2023.
Trong khi đó, thu nhập từ dịch vụ tăng 14%, đạt 2.978 tỷ đồng, doanh thu từ kinh doanh ngoại hối và vàng đạt 1.106 tỷ đồng. Mảng mua bán chứng khoán đầu tư ghi nhận mức tăng trưởng 65%, đạt 56 tỷ đồng, trong khi các hoạt động khác lại sụt giảm mạnh, chỉ còn 1 tỷ đồng, so với mức 327 tỷ đồng của năm trước.
Chi phí hoạt động của Sacombank trong năm qua tăng lên 13.982 tỷ đồng, trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 46%, xuống còn 1.974 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng đạt 10.087 tỷ đồng, tăng 31% so với năm trước.
Về quy mô, tổng tài sản của Sacombank tính đến cuối năm 2024 đạt 748.094 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 12%, đạt 539.314 tỷ đồng, trong khi tiền gửi khách hàng tăng 11%, đạt 566.881 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng nợ xấu của ngân hàng tăng 18%, lên 12.957 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu/dư nợ từ 2,28% đầu năm lên 2,4%.
![]() |
Thù lao lãnh đạo Sacombank năm 2024
Theo báo cáo hợp nhất, tổng thù lao của Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Tổng Giám đốc và Ban Kiểm soát Sacombank trong năm 2024 là 159 tỷ đồng, giảm 3,4 tỷ đồng so với năm 2023.
Trong đó, Sacombank đã chi 53 tỷ đồng trả thù lao cho các thành viên HĐQT của ngân hàng và công ty con, tăng gần 9 tỷ đồng so với năm trước.
Tại ngân hàng mẹ, HĐQT Sacombank gồm 7 thành viên, trong đó Chủ tịch Dương Công Minh nhận 8,75 tỷ đồng. Hai Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Thạch Diễm và Phạm Văn Phong lần lượt nhận 1,8 tỷ đồng và 5,7 tỷ đồng. Các thành viên HĐQT khác nhận từ 3,5 đến 4,8 tỷ đồng. Ban Kiểm soát gồm 4 thành viên, với Trưởng ban Trần Minh Triết nhận 4,375 tỷ đồng, trong khi các thành viên khác nhận 3,5 tỷ đồng.
Riêng Ban Điều hành, thu nhập bình quân của các thành viên đạt 358 triệu đồng/tháng. Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Thạch Diễm nhận 12,9 tỷ đồng trong năm.
Trước đó, theo báo cáo của FiinGroup, Chủ tịch HĐQT Sacombank là người có thu nhập cao nhất trong ngành ngân hàng năm 2023, đạt 8,6 tỷ đồng, vượt xa mức trung bình 4,1 tỷ đồng của các chủ tịch ngân hàng khác.
![]() |
Nguồn: Sacombank |
Trong khi đó, tại LPBank, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Thụy không nhận thù lao trong hai năm liên tiếp, dù ngân hàng chi gần 7 tỷ đồng cho các thành viên HĐQT khác.
Tại Vietcombank, tổng chi thù lao và thưởng cho HĐQT trong năm 2024 là gần 14 tỷ đồng, giảm so với năm trước. Chủ tịch Nguyễn Thanh Tùng nhận 1,64 tỷ đồng, thấp hơn một số thành viên HĐQT khác, trong đó Nguyễn Mạnh Hùng và Nguyễn Thị Kim Oanh nhận trên 2,2 tỷ đồng. Ban Điều hành Vietcombank nhận tổng cộng 17,47 tỷ đồng, giảm hơn 55% so với năm trước.
Techcombank cũng công bố mức thù lao lãnh đạo trong năm 2024. Chủ tịch Hồ Hùng Anh nhận 4,3 tỷ đồng, trong khi Phó Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang nhận gần 3,99 tỷ đồng. Thành viên HĐQT độc lập Eugene Keith Galbraith nhận 6,75 tỷ đồng, cao nhất trong HĐQT ngân hàng này. Tổng Giám đốc Jens Lottner nhận hơn 25,66 tỷ đồng, tăng gần 1,6 tỷ đồng so với năm 2023.
Tại VPBank, Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng nhận 3,36 tỷ đồng, hai Phó Chủ tịch Bùi Hải Quân và Lô Bằng Giang nhận 3,12 tỷ đồng. Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh là người có thu nhập cao nhất tại VPBank với 11,31 tỷ đồng trong năm.