![]() |
Trạm thu phí cầu Thái Hà |
Bộ Xây dựng đang đề xuất trích khoảng 14.223 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2024 để tháo gỡ vướng mắc cho 9/11 dự án BOT gặp khó khăn. Hai dự án còn lại sẽ do ngân sách địa phương bố trí.
Đề xuất này nằm trong kiến nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội ban hành nghị quyết riêng nhằm xử lý dứt điểm các bất cập tồn tại ở các dự án BOT được triển khai trước năm 2015.
Theo Bộ Xây dựng, hiện cả nước có 140 dự án BOT, trong đó 66 dự án do Bộ trực tiếp quản lý và 74 dự án do các địa phương quản lý. Có 11 dự án đang gặp khó khăn, cần được hỗ trợ. Trong đó, nhóm 1 gồm 4 dự án được đề xuất Nhà nước hỗ trợ khoảng 8.482 tỷ đồng do doanh thu sụt giảm mạnh và không có khả năng phục hồi.
Một trong những dự án tiêu biểu là BOT Cầu Thái Hà, được đề xuất hỗ trợ khoảng 1.024 tỷ đồng, tương đương 60% tổng mức đầu tư. Bộ Xây dựng lý giải, đây là công trình kết nối hai tỉnh Hà Nam và Thái Bình, nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nên đủ điều kiện hưởng mức hỗ trợ cao theo Luật Đối tác công tư.
Dự án cầu Thái Hà do CTCP BOT Cầu Thái Hà (Mã BOT – UPCoM) vận hành. Chủ tịch HĐQT Ngô Tiến Cương từng cho biết, phương án tài chính ban đầu không còn khả thi do cạnh tranh trực tiếp từ cầu Hưng Hà chỉ cách 3-4 km, khiến lưu lượng xe sụt giảm nghiêm trọng. Bộ Xây dựng đã phối hợp nhà đầu tư xây dựng phương án sửa đổi hợp đồng, trong đó có đề xuất hỗ trợ tài chính từ Nhà nước, đồng thời phía ngân hàng tài trợ vốn cũng thống nhất cơ cấu lại khoản vay, giữ nguyên nhóm nợ và hỗ trợ lãi suất.
BOT Cầu Thái Hà được thành lập năm 2014, tổng vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng, trạm thu phí bắt đầu vận hành từ tháng 2/2019 với thời gian hoàn vốn dự kiến gần 17 năm. Tuy nhiên, sau khi cầu Hưng Hà đi vào hoạt động, doanh thu thu phí sụt giảm, không đủ bù đắp chi phí vận hành và lãi vay.
Doanh nghiệp liên tục thua lỗ từ mảng BOT, chỉ ghi nhận lãi trong 2/24 quý gần nhất và lỗ 11 quý liên tiếp trước quý IV/2024. Tuy nhiên, trong quý IV vừa qua, công ty bất ngờ báo doanh thu thuần 372,8 tỷ đồng, gấp 31 lần cùng kỳ, chủ yếu đến từ một nguồn thu chưa từng có trước đó. Nhờ đó, lãi ròng đạt 302,3 tỷ đồng, giúp thu hẹp khoản lỗ lũy kế xuống còn 188 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của BOT Cầu Thái Hà ở mức 1.823 tỷ đồng; nợ phải trả 1.419 tỷ đồng – gấp 3,5 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, gần 1.000 tỷ đồng là nợ vay, khiến chi phí lãi vay năm 2024 lên tới 102 tỷ đồng. Ngược lại, lượng tiền mặt của doanh nghiệp chỉ hơn 480 triệu đồng.