BIDV trở thành ngân hàng có lượng tiền gửi khách hàng lớn nhất Việt Nam

Theo báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại, BIDV đã vượt qua Agribank để trở thành ngân hàng có lượng tiền gửi khách hàng lớn nhất Việt Nam trong năm 2024. Cụ thể, đến cuối năm 2024, BIDV ghi nhận 1.953.165 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước. Được biết BIDV có 28.998 cán bộ nhân viên tại thời điểm cuối năm, đã giảm hơn 1.000 người so với đầu năm.

Trong khi đó, Agribank – ngân hàng từng dẫn đầu hệ thống về huy động vốn – chỉ đạt 1.914.664 tỷ đồng, tăng nhẹ 5%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhóm Big4, phản ánh chiến lược kiểm soát tốc độ tăng trưởng nguồn vốn và cơ cấu lại danh mục huy động nhằm tối ưu chi phí đầu vào.

Cùng với BIDV và Agribank, VietinBank và Vietcombank tiếp tục giữ vững vị thế trong nhóm Big4 khi đều có tổng huy động tiền gửi vượt mốc 1,5 triệu tỷ đồng.

Cụ thể, VietinBank đạt 1.606.317 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước, trong khi Vietcombank ghi nhận 1.514.665 tỷ đồng, tăng 9%. Tổng cộng, bốn ngân hàng này đang nắm giữ hơn 56% thị phần huy động tiền gửi trong tổng số 28 ngân hàng thương mại trong nước.

Trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, MB tiếp tục khẳng định vị thế khi huy động tới 714.154 tỷ đồng, tăng mạnh 26% so với năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong top 10 ngân hàng có lượng tiền gửi lớn nhất.

Theo sau MB là Sacombank (566.882 tỷ đồng), ACB (537.305 tỷ đồng), Techcombank (533.392 tỷ đồng), SHB (499.897 tỷ đồng) và VPBank (485.667 tỷ đồng).

Về mức tăng tuyệt đối, BIDV dẫn đầu với hơn 248.475 tỷ đồng tiền gửi mới trong năm 2024. VietinBank xếp thứ hai với 195.418 tỷ đồng, tiếp theo là MB với gần 146.621 tỷ đồng.

Xét về tốc độ tăng trưởng theo tỷ lệ phần trăm, MB vẫn là nhà băng tăng mạnh nhất (26%), tiếp theo là NVB (25%), LPBank (19%), HDBank (18%), Techcombank (17%), MSB (17%) và VIB (17%).

Ở chiều ngược lại, ABBank là ngân hàng duy nhất ghi nhận sự sụt giảm, với tổng tiền gửi giảm 9%, xuống còn 90.719 tỷ đồng.

Số liệu cho thấy khách hàng tiếp tục tin tưởng vào các ngân hàng lớn, đặc biệt là nhóm Big4. Tuy nhiên, một số ngân hàng thương mại cổ phần như MB, LPBank hay Techcombank đang thu hút tiền gửi mạnh mẽ nhờ vào chiến lược lãi suất cạnh tranh và dịch vụ tiện ích gia tăng.

Trong khi đó, những ngân hàng có mức tăng trưởng thấp hoặc giảm sút như ABBank có thể đối mặt với áp lực huy động vốn, đòi hỏi điều chỉnh chiến lược để giữ chân khách hàng.

Ngân hàng có gần 30.000 nhân sự vượt Agribank, dẫn đầu về huy động tiền gửi tại Việt Nam

BIDV sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2025

Ngày 4/4 tới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025 tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, Hà Nội.

Đây là sự kiện quan trọng trong năm của ngân hàng, với các nội dung chủ chốt như thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025, bầu bổ sung thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) và Ban Kiểm soát.

Trong khuôn khổ đại hội, BIDV sẽ trình cổ đông thông qua mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15-16%, phù hợp với giới hạn được Ngân hàng Nhà nước giao. Huy động vốn cũng sẽ được điều chỉnh linh hoạt để đảm bảo thanh khoản và sự hiệu quả trong sử dụng vốn.

Ngoài ra, BIDV sẽ kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 1,4% và đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế từ 6-10% so với năm trước. Dự kiến, lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng trong năm 2025 sẽ đạt khoảng 33.000-35.000 tỷ đồng.

BIDV cũng sẽ hoàn tất việc chi trả cổ tức năm 2023, thông qua việc phát hành cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ, với tỷ lệ cổ tức 21%. Thông tin chi tiết về phương án chi trả cổ tức này sẽ được trình bày tại ĐHĐCĐ.

Đồng thời, trong kỳ đại hội lần này, BIDV sẽ tiến hành bầu bổ sung một thành viên HĐQT và một thành viên Ban Kiểm soát, tiếp tục củng cố đội ngũ lãnh đạo trong nhiệm kỳ còn lại (2022-2027).

Các nội dung khác như niêm yết trái phiếu phát hành ra công chúng và mức thu lao của các thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát cũng sẽ được thảo luận và thông qua tại đại hội.