Ngày 2/4, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế mới, trong đó áp mức thuế cơ bản 10% đối với hàng nhập khẩu và thuế đối ứng cao hơn với hơn 60 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam và Trung Quốc. Đáng chú ý, mức thuế đối ứng áp cho Việt Nam lên tới 46%, dự báo sẽ tác động mạnh tới các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may và gỗ.

Tại chương trình “Cafe cùng Chứng” ngày 3/4 do Chứng khoán SSI tổ chức, ông Phạm Lưu Hưng – Kinh tế trưởng SSI – đã có những phân tích cụ thể về tác động của chính sách này.

Theo ông Hưng, thông tin Mỹ siết thuế không gây bất ngờ lớn cho thị trường vì danh sách các nước bị ảnh hưởng đã được phía Mỹ tiết lộ trước đó. Tuy nhiên, điều gây chú ý chính là mức thuế quá cao. Với việc tính toán Việt Nam 'áp' thuế lên Mỹ tới 90% với Mỹ, đã dẫn tới con số áp thuế 'ngược' 46%. Tuy vậy ông Hưng cho rằng, đây chỉ là con số, và Việt Nam có nhiều cơ hội trên bàn đàm phán.

Ông Hưng nhấn mạnh rằng, ảnh hưởng của chính sách thuế này không chỉ dừng lại ở hơn 60 quốc gia, mà sẽ gây hệ lụy trên phạm vi toàn cầu. Ông đánh giá, quy mô tác động thậm chí có thể tương đương với các đợt suy thoái kinh tế lớn hoặc đại dịch Covid-19. Do đó, các tính toán hiện nay mới chỉ là tương đối và cần nhìn nhận vấn đề ở góc độ rộng hơn.

Mặc dù vậy, ông cũng lưu ý rằng mức thuế 46% đối với Việt Nam nhiều khả năng chỉ là "mức trần", nhằm tạo dư địa để đàm phán. Các quốc gia có thể thương lượng để đưa mức thuế này về ngưỡng thấp hơn sau đó.

Ông Trump tuyên bố áp thuế 46% với hàng nhập từ Việt Nam: Ngành thép không chịu quá nhiều tác động
Ông Trump áp thuế lên tới 46% với Việt Nam

Thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạ nhiệt căng thẳng thương mại, bao gồm giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng, cấp phép thí điểm cho dịch vụ Starlink, và lấy ý kiến về nghị định kiểm soát thương mại chiến lược do Bộ Công Thương chủ trì.

Đánh giá tác động đến từng ngành, liên quan đến ngành thép, ông Hưng cho biết Việt Nam không xuất khẩu quá nhiều thép sang Mỹ, và các mặt hàng thép cũng không bị áp mức thuế quá cao. Ngoài ra, nhiều sản phẩm còn được áp dụng chính sách thuế riêng, nên ngành thép trong nước sẽ không chịu tác động quá lớn từ chính sách mới.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tình trạng dư cung tại Trung Quốc có thể gây sức ép lên giá thép toàn cầu, từ đó ảnh hưởng gián tiếp đến thị trường Việt Nam. Dù vậy, ông Hưng cho rằng, trong suốt 20 năm qua, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống công cụ phòng vệ thương mại đủ mạnh để bảo vệ thị trường nội địa khỏi làn sóng hàng giá rẻ.