![]() |
Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia bị áp thuế tỷ lệ cao vừa được Mỹ công bố |
Rạng sáng 3/4 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố loạt mức thuế mới áp lên hàng hóa nhập khẩu từ hầu hết các nước trên thế giới. Mức cơ bản là 10%, nhưng một số quốc gia bị áp thuế cao hơn đáng kể: Trung Quốc 34%, EU 20%, Đài Loan 32% và đáng chú ý – Việt Nam bị áp mức thuế tới 46%, có hiệu lực từ ngày 5/4.
Thông tin này lập tức tạo hiệu ứng toàn cầu. Thị trường chứng khoán Mỹ rơi mạnh: Hợp đồng tương lai Dow Jones giảm hơn 1.100 điểm (-2,7%), S&P 500 mất 3,9%, Nasdaq-100 giảm kỷ lục 4,7%. Hàng loạt cổ phiếu công ty đa quốc gia bị bán tháo trong phiên giao dịch sau giờ.
Không nằm ngoài làn sóng đỏ lửa, chứng khoán châu Á đồng loạt điều chỉnh mạnh. Tại Việt Nam, VN-Index rơi gần 70 điểm trong phiên ATO, sau đó thu hẹp mức giảm còn 45 điểm (-3,4%), về 1.273 điểm. Toàn sàn HoSE chỉ còn 14 mã tăng giá, 430 mã giảm – trong đó có 28 mã giảm sàn như IDI, MSH, STK, VHC... Nhóm VN30 không có mã nào giữ được sắc xanh, BCM và GVR giảm sàn, gần nửa rổ giảm trên 4%.
“Con số 46% là sốc – nhưng câu chuyện lớn hơn là bàn đàm phán”
Theo giới chuyên gia, việc Việt Nam bị áp mức thuế cao hơn nhiều nước trong khu vực không chỉ là vấn đề về tỷ lệ phần trăm, mà còn liên quan đến chiến lược thương mại tổng thể giữa hai nước.
Theo giới phân tích, con số 46% có thể gây hoang mang ban đầu, nhưng điều cần quan sát kỹ là tín hiệu gì đang phát đi từ phía Mỹ. Đây có thể là đòn nắn gân trong lúc hai bên đang có các kênh trao đổi thương mại, đầu tư. Nếu chỉ nhìn vào con số mà không đánh giá bối cảnh, rất dễ phản ứng sai về mặt chính sách lẫn thị trường.
Câu chuyện dòng tiền, đặc biệt là dòng vốn đầu tư và dự trữ ngoại hối, đang là mối quan tâm lớn. Một số chuyên gia cho rằng nếu chính sách thuế này kéo dài hoặc trở nên thực chất, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tính toán lại phương án điều tiết tỷ giá, kiểm soát lạm phát và phân bổ nguồn lực ngoại tệ.
![]() |
Ông Phạm Lưu Hưng - Chuyên gia Chứng khoán SSI |
“Khả năng cao đây là động thái ngắn hạn. Nhưng nếu kéo dài sang quý II, dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ Mỹ hoặc các đối tác có chuỗi cung ứng liên quan sẽ chậm lại. Khi đó, chính sách tiền tệ sẽ cần ‘nới thông minh’ thay vì thắt chặt thụ động”, một chuyên gia bình luận.
Chia sẻ quan điểm trong bối cảnh thị trường rơi mạnh sáng nay, ông Phạm Lưu Hưng cho rằng nhà đầu tư nên “giữ tỉnh táo, quản trị vị thế thay vì chạy theo cảm xúc”. Ông Hưng cho rằng, với các ngành có rủi ro cao do xuất khẩu nên hạ tỷ trọng, dịch chuyển sang các nhóm ngành trong nước. Quan trọng là phải ‘sống sót’ trong giai đoạn nhiễu động. Sự kiện này có thể là cơ hội nếu chính sách trong nước chuyển hướng tích cực hơn sau phản ứng của thị trường.