Novaland (NVL) được chủ nợ gia hạn trả gần 18.000 tỷ đồng nợ vay
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland - ông Bùi Thành Nhơn

Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2024 của Tập đoàn Novaland (mã NVL) không chỉ thu hút sự chú ý bởi kết quả kinh doanh và ý kiến kiểm toán, mà còn vì câu chuyện về nợ – chủ đề luôn được cổ đông và thị trường đặc biệt quan tâm trong giai đoạn tái cơ cấu hiện nay.

Năm qua, quy mô tổng tài sản và nợ phải trả của Novaland đều ghi nhận xu hướng thu hẹp. Cụ thể, nợ phải trả giảm hàng nghìn tỷ đồng, về mức xấp xỉ 190.500 tỷ đồng. Trong đó, khoản nợ tiềm năng – bao gồm tiền người mua trả trước ngắn hạn và doanh thu chưa thực hiện dài hạn – được kiểm soát ở mức gần 19.000 tỷ đồng.

Ngược lại, dư nợ vay tài chính tăng thêm gần 4.000 tỷ đồng so với đầu năm, lên gần 61.600 tỷ đồng.

Với quy mô vay lớn, chi phí lãi vay là gánh nặng không nhỏ trong báo cáo tài chính. Năm 2024, tập đoàn ghi nhận gần 300 tỷ đồng chi phí lãi vay trực tiếp vào kết quả kinh doanh, đồng thời vốn hóa hơn 6.200 tỷ đồng vào hàng tồn kho.

Trong tổng dư nợ vay, gần 37.000 tỷ đồng là các khoản ngắn hạn, cần thanh toán trong vòng 12 tháng. Trái phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất với khoảng 37.300 tỷ đồng, trong đó hơn 22.700 tỷ đồng là trái phiếu ngắn hạn; vay ngân hàng khoảng 14.900 tỷ đồng. Novaland hiện đang có dư nợ tại 15 lô trái phiếu khác nhau, trong đó đáng chú ý là lô trái phiếu chuyển đổi quốc tế trị giá 300 triệu USD, tương đương khoảng 8.200 tỷ đồng.

Trả lời về những nghi ngờ liên quan đến khả năng hoạt động liên tục, ban điều hành cho biết đến cuối năm 2024, doanh nghiệp đã thanh toán được hơn 7.000 tỷ đồng trong tổng dư nợ vay, đồng thời đang đàm phán với các chủ nợ và trái chủ để xử lý phần còn lại.

Theo thông tin cập nhật, Novaland đã đạt được thỏa thuận tái cơ cấu với các chủ nợ trị giá gần 17.900 tỷ đồng, trong đó có nhiều đối tác sẵn sàng gia hạn và đồng hành cùng doanh nghiệp trong giai đoạn chuyển mình.

Cùng với đó, Novaland tích cực triển khai kế hoạch cân đối tài chính thông qua việc bán tài sản. Theo kế hoạch, tập đoàn dự kiến thu về 26.542 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng 21 tài sản trong giai đoạn 2024-2025.

Đến cuối năm, hai tài sản đã bán thành công, mang về 8.059 tỷ đồng; 7 tài sản khác đã được ký hợp đồng nguyên tắc trị giá 7.433 tỷ đồng; 5 tài sản đang ở giai đoạn ký biên bản ghi nhớ (6.682 tỷ đồng); 3 tài sản nhận được thư đề nghị mua trị giá 2.603 tỷ đồng. Còn lại, 1.765 tỷ đồng tài sản chưa có thỏa thuận chính thức nhưng đang được tích cực tìm kiếm đối tác, với kỳ vọng hoàn tất toàn bộ kế hoạch trong vòng 12 tháng.

Hiện tại, cơ cấu tài sản của Novaland vẫn tập trung lớn vào hàng tồn kho (147.000 tỷ đồng) và các khoản phải thu (70.700 tỷ đồng), chiếm tới 91,6% tổng tài sản. Đây vừa là thách thức, vừa là nguồn lực nếu doanh nghiệp xoay chuyển thành công thông qua các kênh bán hàng và hợp tác phát triển dự án.

Tái cơ cấu nợ luôn là chặng đường không dễ dàng, song với những bước đi cụ thể và sự đồng hành từ nhiều bên liên quan, Novaland cho thấy nỗ lực để từng bước ổn định tài chính, tạo nền tảng cho giai đoạn phát triển tiếp theo.