Khởi đầu đầy tham vọng nhưng lại phải thất vọng

Năm 2013, khi Sun Life gia nhập thị trường Việt Nam thông qua liên doanh với PVI, không ai có thể ngờ rằng hành trình phía trước lại đầy chông gai đến vậy. Khi ấy, công ty mang tên PVI Sun Life, khởi đầu với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Chỉ sau một năm hoạt động, báo cáo tài chính cho thấy một tín hiệu đầy hứa hẹn: Lợi nhuận sau thuế 36,5 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 2.164 tỷ đồng. Đây là một bước chạy đà đầy hứa hẹn cho một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ non trẻ.

Nhưng đó cũng là lần duy nhất Sun Life ghi nhận lợi nhuận dương.

Từ năm 2014, bức tranh tài chính của công ty bắt đầu rẽ sang một hướng khác. Thua lỗ xuất hiện và nhanh chóng gia tăng, lên tới 162 tỷ đồng vào cuối năm 2015. Để duy trì hoạt động, công ty mẹ phải rót thêm 100 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên 1.100 tỷ đồng.

Đến tháng 11/2016, Sun Life Financial quyết định mua lại toàn bộ phần vốn của PVI, biến Sun Life Việt Nam thành công ty 100% vốn nước ngoài. Giới quan sát kỳ vọng sự thay đổi này sẽ giúp công ty cất cánh, tận dụng tiềm lực tài chính mạnh mẽ từ tập đoàn mẹ tại Canada để mở rộng thị phần. Nhưng thực tế lại không như mong đợi.

Sau khi toàn quyền kiểm soát Sun Life Việt Nam, công ty mẹ nhanh chóng triển khai chiến lược mở rộng quy mô. Vốn điều lệ liên tục tăng, từ 1.100 tỷ đồng lên 1.870 tỷ đồng vào năm 2018. Nhưng song song với đó, khoản lỗ cũng ngày một lớn hơn.

Cuối năm 2018, lỗ lũy kế của Sun Life Việt Nam đã chạm mốc 704,4 tỷ đồng – bằng 37,6% tổng số vốn mà công ty mẹ đã rót thêm. Doanh nghiệp này gặp khó khăn trong việc thu hút khách hàng cá nhân, buộc phải tìm kiếm một lối đi khác: Hợp tác bancassurance (bảo hiểm liên kết ngân hàng).

Năm 2019, Sun Life ký hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền với TPBank, với kỳ vọng tận dụng mạng lưới khách hàng rộng lớn của ngân hàng này. Nhưng thay vì cải thiện tài chính, Sun Life tiếp tục báo lỗ 311,6 tỷ đồng, đẩy lỗ lũy kế vượt mốc 1.000 tỷ đồng.

Không dừng lại ở đó, năm 2020, Sun Life thực hiện một thương vụ đình đám khác với ACB – một hợp đồng bancassurance trị giá 370 triệu USD. Thương vụ này gây xôn xao thị trường bởi số tiền “lót tay” khổng lồ mà Sun Life bỏ ra để giành quyền phân phối bảo hiểm qua ACB trong 15 năm. Nhưng một lần nữa, chiến lược này không thể xoay chuyển tình thế. Năm 2021, Sun Life lỗ kỷ lục 1.445 tỷ đồng, tiếp tục lỗ thêm 1.469 tỷ đồng trong năm 2022.

Hơn một thập kỷ thua lỗ 6.360 tỷ đồng, Công ty bảo hiểm TOP 3 Việt Nam đang gặp vấn đề gì?

Lỗ lũy kế vượt 6.360 tỷ đồng

Năm 2023, tình hình có vẻ sáng sủa hơn đôi chút khi khoản lỗ thu hẹp xuống còn 921 tỷ đồng. Nhưng tính đến cuối năm, tổng lỗ lũy kế vẫn vọt lên 5.496 tỷ đồng.

Bước sang năm 2024, công ty mẹ tiếp tục kiên trì rót thêm 1.464 tỷ đồng vốn, nâng vốn điều lệ lên 17.944 tỷ đồng, đưa Sun Life Việt Nam vào nhóm ba công ty bảo hiểm nhân thọ có vốn lớn nhất tại Việt Nam, bên cạnh Prudential và Manulife. Tuy nhiên, kết quả vẫn không khả quan hơn, khi Sun Life tiếp tục báo lỗ 868 tỷ đồng trong năm 2024, đẩy lỗ lũy kế vượt mốc 6.360 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính năm 2024, doanh thu thuần từ hoạt động bảo hiểm của Sun Life đạt 3.294 tỷ đồng, giảm gần 20% so với năm trước. Doanh thu phí bảo hiểm gốc giảm còn 3.411 tỷ đồng, trong khi tổng chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm lại tăng vọt lên hơn 1.609 tỷ đồng. Công ty cũng phải cắt giảm mạnh chi phí hoạt động để hạn chế lỗ, nhưng chi phí quản lý vẫn ở mức cao, lên tới 961 tỷ đồng.

Tổng tài sản của Sun Life Việt Nam hiện đạt 20.795 tỷ đồng, với danh mục đầu tư tài chính lên tới 9.643 tỷ đồng. Trong đó, công ty rót hơn 3.293 tỷ đồng vào tiền gửi có kỳ hạn, 3.766 tỷ đồng vào trái phiếu Chính phủ và 2.252 tỷ đồng vào trái phiếu doanh nghiệp.

Hơn một thập kỷ thua lỗ 6.360 tỷ đồng, Công ty bảo hiểm TOP 3 Việt Nam đang gặp vấn đề gì?

Dù có nguồn vốn khổng lồ và những thương vụ hợp tác chiến lược với các ngân hàng lớn, Sun Life Việt Nam vẫn chưa thể tạo ra lợi nhuận sau hơn một thập kỷ hoạt động.