Ngày 28/4, bến số 3 cảng quốc tế Lào - Việt tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) chính thức được đưa vào khai thác. Sự kiện không chỉ hoàn thiện hạ tầng cảng biển chiến lược của khu vực mà còn mở ra cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho cả Việt Nam và Lào.

Dự án bến số 3 được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2015. Sau 10 năm triển khai, bến đã hoàn thành với khả năng tiếp nhận tàu chở hàng trọng tải đến 45.000DWT, công suất khai thác thiết kế khoảng 2,15 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Theo CTCP Cảng quốc tế Lào - Việt, bến số 3 được xây dựng trên diện tích 43.928m² đất và 42.000m² mặt nước, tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Với chiều dài 225m, khi kết hợp với bến số 1 và bến số 2, tổ hợp cảng tạo thành hệ thống cầu cảng liên hoàn dài 697m. Tổ hợp này có khả năng tiếp nhận cùng lúc ba tàu trọng tải lớn từ 50.000-55.000 tấn hoặc 6-7 tàu cỡ trung bình từ 3.000-4.000 tấn, nâng cao đáng kể năng lực lưu thông hàng hóa qua khu vực.

Bến số 3 hứa hẹn sẽ tạo lực hút mạnh mẽ đối với các dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, hình thành trung tâm logistics liên vùng năng động, mở rộng không gian phát triển kinh tế biển miền Trung.

Đặc biệt, bến cảng này được kỳ vọng trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi logistics liên quốc gia, phục vụ nhu cầu vận chuyển, trung chuyển hàng hóa ngày càng tăng, nhất là xuất nhập khẩu và quá cảnh từ Lào, Đông Bắc Thái Lan ra biển.

Bến cảng 1.000 tỷ tại Hà Tĩnh chính thức vận hành, mở hàng đã đón tàu 40.000 tấn
Bến số 3 cảng quốc tế Việt - Lào. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt, cho biết: “Những năm qua, công ty đã từng bước vượt qua khó khăn, xây dựng thương hiệu và khẳng định năng lực thị trường. Nếu năm 2001 sản lượng hàng hóa thông qua cảng chỉ đạt hơn 21.000 tấn thì đến năm 2010 đã đạt gần 1 triệu tấn, năm 2024 tăng lên 5 triệu tấn. Dù năm 2025 dự báo nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi đặt mục tiêu đạt sản lượng 6-7 triệu tấn”.

Đánh dấu việc đưa bến số 3 vào hoạt động, ngày 25/3/2025, cầu cảng đã đón tàu Western Stabaek (quốc tịch Philippines) có trọng tải 40.000 tấn đến nhận hàng kali của doanh nghiệp Lào xuất khẩu sang Nhật Bản.

Với lợi thế cảng nước sâu, hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ và đầu tư bài bản về thiết bị bốc xếp, các bến cảng của Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt được kỳ vọng sẽ tạo sức bật mới cho tăng trưởng kinh tế, xã hội khu vực trong những năm tới.