Tại Diễn đàn Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, tổ chức chiều 28/4 tại Hà Nội, với sự đồng chủ trì của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru, Công ty Tokuyama (Nhật Bản) đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất silicon đa tinh thể dùng cho chất bán dẫn tại Việt Nam

Tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản đã chia sẻ kế hoạch hợp tác nhằm hiện thực hóa tầm nhìn chung về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Đại diện Tokuyama - một trong những công ty hàng đầu thế giới về sản xuất silicon tinh thể cho bán dẫn cho biết, đang chuẩn bị triển khai cơ sở sản xuất tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

"Với chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, chúng tôi quyết định đầu tư xây dựng nhà máy silicon đa tinh thể tại đây", đại diện Tokuyama chia sẻ.

Việt Nam sẽ có nhà máy sản xuất silicon đa tinh thể phục vụ cho ngành bán dẫn
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác

Cũng tại sự kiện, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cho biết, Sumitomo Corporation và SBI Holdings đã hợp tác với FPT cùng Nvidia xây dựng nhà máy trí tuệ nhân tạo tại Nhật Bản. Theo ông, Việt Nam có thể bổ khuyết cho Nhật Bản bằng nguồn nhân lực trẻ, tài năng và giàu khát vọng.

Ông Taka Fujino, Tổng Giám đốc Panasonic Việt Nam, cho biết trung tâm R&D của hãng tại Việt Nam hiện có 180 kỹ sư tài năng người Việt, hướng tới mục tiêu phát triển thành công ty chuyên về công nghệ số và giải pháp nhà máy thông minh.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với doanh nghiệp Nhật nhờ thị trường gần 100 triệu dân và nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn, ông Shigeru nhấn mạnh đây là thời điểm thích hợp để hai nước tăng cường hợp tác phát triển công nghiệp công nghệ cao, nâng cao khả năng chống chịu trước các cú sốc toàn cầu.

Nhật Bản cam kết hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn, với kế hoạch tiếp nhận 250 nghiên cứu sinh tiến sĩ trong lĩnh vực này. Thủ tướng Shigeru cũng khẳng định sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình phát triển công nghiệp công nghệ cao, giảm phát thải carbon và triển khai nhà máy sản xuất silicon đa tinh thể, loại vật liệu then chốt trong ngành bán dẫn.

Theo Thủ tướng Shigeru, tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản là không giới hạn. Hai chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp hai nước nhằm đóng góp cho hòa bình và phát triển khu vực, toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, đồng thời là nước cung cấp ODA và đối tác lao động lớn nhất, nhà đầu tư lớn thứ ba, đối tác thương mại và du lịch lớn thứ tư của Việt Nam.

Tính đến tháng 3/2025, Nhật Bản có gần 5.500 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn gần 80 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực chế biến chế tạo, năng lượng, công nghệ cao, y tế và giáo dục. Đặc biệt, trong quý I/2025, vốn đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy xu hướng hợp tác tích cực.

Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần "3 thông": Thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt và con người thông minh. Cùng với đó là thực hiện "bộ tứ chiến lược" về tổ chức bộ máy, phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy kinh tế tư nhân và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Chính phủ Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua các chương trình ODA thế hệ mới, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ chiến lược như công nghệ cao, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và công nghệ xanh.

Hai Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) trong việc trở thành đầu mối thúc đẩy hợp tác đổi mới sáng tạo giữa hai nước trong thời gian tới.