Việt Nam vẫn thiếu nhà đầu tư đến từ các nước có công nghệ phát triển
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), khu vực FDI đã đầu tư vào 19/21 ngành của nền kinh tế. Đến đầu năm 2025, có trên 42.000 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 502,8 tỷ USD, vốn thực hiện chiếm trên 64%.
Trong tổng vốn đang thực hiện, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 61,4%, nếu cộng cả lĩnh vực sản xuất và phân phối điện, khí, thì khu vực FDI đầu tư vào 2 lĩnh vực này 69,70% với tổng vốn trên 350,691 tỷ USD.
![]() |
Việt Nam vẫn thiếu nhà đầu tư đến từ các nước có công nghệ phát triển. |
Nhận định về con số này, Theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng đây là nguồn vốn khổng lồ đổ vào nền kinh tế và được đầu tư vào 2 lĩnh vực có thể nói là nền tảng của sự phát triển, bởi bất cứ nước nào muốn trở nên thịnh vượng, phải bắt đầu từ công nghiệp và không nền kinh tế nào phát triển được nếu nguồn điện không đủ, chất lượng điện phập phù. Những số liệu này đã nói lên vai trò, tầm quan trọng của khu vực FDI đối với nền kinh tế nước ta.
Tuy nhiên, theo ông Mại, hiện nay 10 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tính đến thời điểm này vẫn chủ yếu đến từ khu vực Đông Á và Đông Nam Á, thiếu vắng nhà đầu tư đến từ các nước có nền công nghệ phát triển như EU (ngoại trừ Hà Lan), Hoa Kỳ.
Hiện tại, Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam trên 10.100 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 92 tỷ USD, chiếm 18,3% tổng vốn FDI đăng ký. Khi Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế đối ứng áp cho Việt Nam lên tới 46%, nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc rất lo lắng.
Nhưng theo quan điểm của ông Mại khi chứng kiến nỗ lực của Việt Nam trong đàm phán với Hoa Kỳ về thuế quan, thậm chí Việt Nam sẵn sàng đưa mức thuế nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ về 0% và tiến tới đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với Hoa Kỳ, doanh nghiệp Hàn Quốc đã yên tâm hơn.
Tổ chức Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) cho rằng, dù bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng bởi chính sách của Hoa Kỳ, nhưng cơ sở sản xuất điện tử, chất bán dẫn, kinh tế số, công nghệ thông tin của Việt Nam vẫn trên đà phát triển, tạo động lực cho doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng đầu tư vào công nghệ thông tin, phần mềm, AI.
Cơ hội để Việt Nam thu hút FDI vào công nghệ cao, đặc biệt là chip bán dẫn.
Hiện nay, theo quan điểm của ông Mại khi dòng chảy thương mại thế giới thay đổi khiến dòng chảy FDI cũng thay đổi. Theo đánh giá đây có thể là cơ hội để Việt Nam thu hút FDI vào công nghệ cao, đặc biệt là chip bán dẫn.
![]() |
Hỗ trợ tới 10.000 tỷ đồng xây dựng nhà máy đầu tiên để phục vụ nghiên cứu, đào tạo, sản xuất chip bán dẫn |
Theo tính toán, quy mô thị trường công nghiệp bán dẫn của Việt Nam giai đoạn 2025-2030 đạt 25 tỷ USD mỗi năm và tăng gấp đôi vào 10 năm tiếp theo. Với quy mô thị trường lớn và tăng trưởng 10-20%/năm, nên ngay từ năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050 (Quyết định 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024) giao từng đầu việc cụ thể cho từng bộ, ngành với thời gian thực hiện cụ thể.
“Đây là quyết định rất quan trọng, bởi Việt Nam có lợi thế địa chính trị, nhân lực về công nghiệp bán dẫn; đồng thời là cơ hội cho Việt Nam tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Việt Nam không thể bỏ lỡ cơ hội khi nằm ở trung tâm của khu vực đang chiếm tới 70% sản lượng sản xuất của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu; là quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược với nhiều cường quốc bán dẫn. Chưa kể, chúng ta có tiềm năng về trữ lượng đất hiếm, ước đạt khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới”, ông Mại nhận định.
Vị chuyên gia cho rằng nếu chúng ta không muốn bỏ lỡ cơ hội, các nhà đầu tư nước ngoài cũng không muốn chậm chân khi tham gia thị trường sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam. Apple đã hoàn tất chuyển 11 nhà máy sản xuất thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. Foxxconn, Luxshare và Goerteck cũng đồng loạt tăng vốn các dự án đang đầu tư tại Việt Nam.
Chúng ta đã chứng kiến Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ với sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp đã đến Việt Nam (chưa kể các đoàn nhỏ) tìm hiểu môi trường đầu tư để quyết định di chuyển địa điểm sản xuất chip bán dẫn. Năm 2024, Việt Nam đã thu hút được nhiều dự án FDI sản xuất chip bán dẫn.
“Đây là những tiền đề khả quan để năm 2025 tiếp tục gia tăng triển vọng thu hút FDI vào lĩnh vực này nói riêng, công nghệ cao nói chung, bất chấp khủng hoảng thương mại toàn cầu đang diễn biến phức tạp”, ông Mại nhận định.