Ngành gạo Thái Lan đang rơi vào khủng hoảng khi xuất khẩu quý I/2025 giảm tới 30%, đánh mất vị trí quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới vào tay Việt Nam, trong bối cảnh Ấn Độ tiếp tục duy trì vị thế số một.
Theo ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA), trong 3 tháng đầu năm nay, Thái Lan chỉ xuất khẩu được 2,1 triệu tấn gạo, giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu là do xuất khẩu gạo trắng lao dốc 53%, khi Ấn Độ trở lại thị trường quốc tế, cộng với việc các khách hàng lớn như Philippines cắt giảm mạnh đơn hàng – từ 4 triệu tấn năm ngoái xuống chỉ còn 1 triệu tấn dự kiến trong năm nay.
Cạnh tranh khốc liệt từ Việt Nam và Ấn Độ
Gạo Ấn Độ đang có giá thấp hơn gạo Thái Lan khoảng 40 USD/tấn, khiến các quốc gia như Nam Phi, Malaysia và Philippines chuyển hướng nhập khẩu từ Ấn Độ. Mặc dù Thái Lan đã giảm giá gạo từ 600 USD/tấn xuống hơn 400 USD/tấn, nhưng vẫn khó cạnh tranh. Trong khi đó, Ấn Độ đã xuất khẩu 2,4 triệu tấn trong quý I, dự kiến sẽ vượt mốc 20 triệu tấn trong năm 2025. Việt Nam cũng vươn lên mạnh mẽ với 2,3 triệu tấn xuất khẩu, vượt qua Thái Lan để giữ vị trí thứ hai toàn cầu và được kỳ vọng sẽ duy trì vị trí này cả năm.
![]() |
Gạo Thái Lan đang đối mặt cạnh tranh gay gắt. Ảnh minh hoạ |
TREA dù vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu 7,5 triệu tấn trong năm 2025, nhưng dự đoán quý 2 sẽ tiếp tục ảm đạm, tương đương quý đầu năm.
Áp lực từ chính sách thuế và chi phí vận chuyển tại Mỹ
Thị trường Mỹ tiếp tục là điểm nóng. Thuế đối ứng 36% của Mỹ áp lên gạo Thái được hoãn 90 ngày, tạm thời giúp tăng nhập khẩu gạo thơm (jasmine rice). Riêng quý 1, Thái Lan xuất khẩu 200.000 tấn gạo thơm sang Mỹ, đạt giá khoảng 1.000 USD/tấn. Tuy nhiên, nếu Mỹ tái áp mức thuế 20–36%, giá thành có thể vọt lên 1.300 USD/tấn, khiến Thái Lan mất sức cạnh tranh.
Ngược lại, gạo thơm Việt Nam dù bị đánh thuế tới 46% vẫn rẻ hơn, chỉ khoảng 600–700 USD/tấn, khiến nhiều nhà nhập khẩu Mỹ có thể chuyển hướng sang Việt Nam.
Ngoài vấn đề thuế, Mỹ dự kiến áp phí cảng mới từ tháng 10 cho hàng hóa vận chuyển bằng tàu do Trung Quốc đóng, khiến chi phí vận chuyển tăng thêm khoảng 6 USD/tấn.
Cùng lúc đó, giá lúa nội địa Thái giảm 30% do Ấn Độ tái xuất khẩu từ tháng 9/2024, khiến nông dân lâm vào khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, chi phí sản xuất cao và năng suất thấp khiến Thái Lan không thể tiếp tục giảm giá gạo, theo nhà kinh tế nông nghiệp Somporn Isvilanonda.
Hy vọng của ngành lúa gạo Thái hiện đặt vào phái đoàn do Bộ trưởng Tài chính Pichai Chunhavajira dẫn đầu trong đàm phán với Mỹ. Trong đó, Thái Lan đề xuất giảm thuế nhập khẩu bắp từ 73% xuống 0 – một động thái gây tranh cãi do có thể ảnh hưởng nặng đến nông dân trồng ngô trong nước.
Bốn tổ chức nông dân, bao gồm Hiệp hội xay xát gạo Thái Lan, đã kiến nghị chặn nhập khẩu ngô và bã đậu nành từ Mỹ, lo ngại sẽ làm sụt giảm giá các loại thức ăn chăn nuôi trong nước như gạo tấm và cám gạo.
Chính phủ Thái Lan khẳng định sẽ không đánh đổi ngành nông nghiệp trong nước để đổi lấy nhượng bộ thương mại, nhưng sức ép từ thị trường và các đối thủ đang khiến ngành gạo nước này rơi vào thế khó.