Mới đây, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đã công bố báo cáo phân tích chuyên sâu về cổ phiếu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã: BID), khuyến nghị “MUA” với mức giá mục tiêu 44.238 đồng/cổ phiếu – cao hơn gần 19% so với thị giá hiện tại.
Báo cáo đánh giá BIDV vẫn là một cổ phiếu ngân hàng quốc doanh đáng chú ý nhờ kế hoạch tăng vốn lớn nhất hệ thống, khả năng cải thiện chất lượng tài sản và tiềm năng phục hồi biên lãi ròng (NIM) trong nửa cuối năm.
Tổng thu nhập hoạt động quý I/2025 của BID đạt 17.898 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ, trong đó thu nhập lãi thuần vẫn chiếm tỷ trọng lớn (78%) nhưng tăng trưởng chậm (+1,6% yoy). Trong khi đó, thu nhập ngoài lãi bật tăng tới 11,3% yoy, đặc biệt nhờ thu hồi các khoản nợ xấu đã xóa – ghi nhận hơn 1.287 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần cùng kỳ.
Chi phí hoạt động và trích lập dự phòng đều tăng khiến lợi nhuận trước thuế quý I chỉ đạt 7.413 tỷ đồng (+0,3%). Tỷ lệ chi phí CIR tăng lên 30,6% còn tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) giảm về mức thấp nhất 5 năm – chỉ còn 96,8%.
Tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm 31/3/2025 tăng lên 1,89%, trong đó nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 40% và nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 18%. Dù vậy, VCBS nhận định diễn biến này chủ yếu mang tính mùa vụ và sẽ giảm về mức 1,2% vào cuối năm, khi BID đẩy mạnh trích lập và kiểm soát tín dụng tiêu dùng chặt chẽ hơn.
Tăng trưởng tín dụng của BID mới đạt 2,5% trong quý I – thấp hơn bình quân toàn hệ thống, do tăng trưởng doanh nghiệp lớn âm 1,3%. Tuy nhiên, VCBS cho rằng ngân hàng sẽ tăng tốc trong các quý tới, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2025 đạt 16%, nhờ dòng vốn đổ vào lĩnh vực bán lẻ, mua nhà và SME – dự báo tăng lần lượt 19% và 14%.
NIM quý I chỉ đạt 2%, giảm nhẹ so với cùng kỳ (2,05%). Tuy nhiên, nhờ lợi thế chi phí vốn thấp từ tiền gửi Kho bạc Nhà nước và tái cơ cấu danh mục cho vay, VCBS kỳ vọng NIM của BID sẽ cải thiện lên khoảng 2,3% trong cả năm 2025.
![]() |
Nguồn: VCBS |
BID đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 21.656 tỷ đồng trong năm nay, bằng ba hình thức: phát hành từ quỹ dự trữ (7,1%), chia cổ tức bằng cổ phiếu (19,9%) và chào bán riêng lẻ (3,84%). Sau phát hành, vốn điều lệ dự kiến đạt gần 91.870 tỷ đồng – cao nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam.
VCBS đánh giá đây là bước đi quan trọng nhằm nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng chuẩn Basel III, đồng thời tăng khả năng cho vay trong giai đoạn tới.
Việc thu hồi nợ xấu đã xóa sẽ tiếp tục là điểm sáng trong năm nay. VCBS dự báo BID có thể ghi nhận hơn 6.500 tỷ đồng thu nhập bất thường từ thu hồi nợ xấu, đóng góp không nhỏ cho tổng lợi nhuận, nhất là trong bối cảnh BID đang có hơn 20.000 tỷ đồng nợ xấu đã xử lý theo Nghị quyết 42.
BID hiện giao dịch tại P/E 8,87 lần và P/B 1,65 lần – mức định giá được xem là hấp dẫn so với trung bình ngành ngân hàng, đặc biệt trong nhóm quốc doanh. VCBS ước tính EPS năm 2025 đạt 4.001 đồng/cổ phiếu và dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2025 đạt 35.698 tỷ đồng (+13,7% yoy).
Với tiềm năng hồi phục lợi nhuận, hỗ trợ từ tăng vốn và cải thiện tài sản, mức giá mục tiêu 44.238 đồng/cổ phiếu được đánh giá là hợp lý trong trung hạn.
VCBS lưu ý rủi ro từ tăng trưởng tín dụng thấp hơn kỳ vọng, sự gia tăng nợ xấu do môi trường kinh doanh còn khó khăn, cũng như các tác động tiềm tàng từ chính sách thuế đối với ngành xuất khẩu (chiếm 15% dư nợ BID). Tuy vậy, phần lớn yếu tố tiêu cực này đã được phản ánh vào giá cổ phiếu hiện tại.
BID không phải là cổ phiếu tăng trưởng bùng nổ trong ngắn hạn, nhưng lại là lựa chọn hấp dẫn cho nhà đầu tư trung – dài hạn đang tìm kiếm cổ phiếu ngân hàng quốc doanh có nền tảng vững, định giá hợp lý và kế hoạch tăng vốn mạnh mẽ. Khuyến nghị “MUA” của VCBS phản ánh niềm tin vào khả năng phục hồi của BID trong nửa sau năm 2025.