CTCP Chứng khoán SSI vừa công bố báo cáo cập nhật ngành phân bón với nhiều triển vọng tích cực trong nửa cuối năm 2025. Theo đó, Ngành phân bón Việt Nam được kỳ vọng sẽ hưởng lợi kép từ chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) mới và xu hướng giảm của giá dầu thế giới.

Cụ thể, SSI Research cho biết dự báo giá dầu Brent sẽ giảm còn 65 USD/thùng trong năm 2025 và 60 USD/thùng trong năm 2026 do nguồn cung toàn cầu gia tăng.

Giá dầu FO cũng được dự báo sẽ giảm xuống còn 430 USD/tấn trong năm 2025 và 400 USD/tấn trong năm 2026. Đợt giảm giá FO mạnh nhất được ghi nhận trong Quý 2/2025, sau khi Mỹ công bố chính sách tăng thuế.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất phân bón urê như Đạm Phú Mỹ (DPM) và Đạm Cà Mau (DCM), đây là một tin tức đặc biệt tích cực. Do chi phí khí đầu vào được neo theo giá dầu FO, nên việc giá dầu FO sụt giảm mạnh đã giúp hai doanh nghiệp trên tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất.

Doanh nghiệp phân bón hưởng lợi kép từ chính sách thuế và giá dầu giảm, lợi nhuận dự báo bứt phá nửa cuối năm
Nguồn: SSI Research

Về giá phân bón, SSI Research duy trì sự lạc quan trong thời gian tới. Giá urê tại châu Âu đã tăng 16% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm 2025, trong khi giá khí tự nhiên trong kỳ tăng 38% so với cùng kỳ. Do đó, SSI Research dự báo giá bán urê sẽ tăng 10% so với cùng kỳ trong năm 2025 và ổn định trong năm 2026. Đội ngũ phân tích kỳ vọng giá phân DAP sẽ tăng 6% so với cùng kỳ trong năm 2025 và duy trì ổn định trong năm 2026.

Thách thức tiềm ẩn đối với giá phân bón chính là các thay đổi chính sách xuất khẩu của Trung Quốc. SSI Research cho biết, Trung Quốc đã duy trì các biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với phân urê từ đầu năm 2024 và đối với phân DAP từ đầu năm 2025. Mặc dù có khả năng Trung Quốc sẽ nối lại hoạt động xuất khẩu cả urê và DAP, sự thay đổi này có thể tạo áp lực giảm lên giá phân bón toàn cầu.

Tuy nhiên, việc giá urê nội địa tại Trung Quốc gần đây tăng mạnh đã thu hẹp chênh lệch giá giữa thị trường nội địa Trung Quốc và quốc tế. Do đó, ngay cả khi Trung Quốc nối lại xuất khẩu urê trong nửa cuối năm 2025, tác động đến giá toàn cầu được dự báo không đáng kể. Tương tự với phân DAP, việc Trung Quốc xuất khẩu trở lại có thể không gây áp lực lớn lên giá phân DAP do chênh lệch giá giữa thị trường Trung Quốc và quốc tế hiện đang ở mức thấp.

Doanh nghiệp phân bón hưởng lợi kép từ chính sách thuế và giá dầu giảm, lợi nhuận dự báo bứt phá nửa cuối năm
Nguồn: SSI Research

Ngược lại, một trong những động lực quan trọng nhất thúc đẩy lợi nhuận ngành phân bón là việc áp dụng Luật Thuế giá trị gia tăng số 48/2024/QH15 từ tháng 7/2025. Theo đó, các sản phẩm phân bón sẽ chuyển từ nhóm “không chịu thuế” sang “chịu thuế 5%”. Thay đổi này cho phép các doanh nghiệp sản xuất phân bón được khấu trừ thuế GTGT đầu vào - bao gồm 10% thuế GTGT đối với khí tự nhiên và 5% thuế GTGT đối với quặng phốt phát, giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất. Điều này sẽ cải thiện biên lợi nhuận và nâng cao khả năng cạnh tranh so với phân bón nhập khẩu.

Trong đó, Đạm Phú Mỹ được dự báo là doanh nghiệp hưởng lợi lớn nhất từ chính sách này. SSI Research ước tính, Đạm Phú Mỹ có thể tiết kiệm khoảng 500 tỷ đồng thuế GTGT hàng năm, tương đương 75% lợi nhuận trước thuế (LNTT) năm 2024. Mức tiết kiệm này vượt trội so với Đạm Cà Mau (350 tỷ đồng, tương đương 24% LNTT 2024) và Hóa chất Đức Giang (DGC - 100 tỷ đồng, tương đương 3% LNTT 2024). Điều này sẽ tạo ra một cú hích đáng kể cho lợi nhuận của DPM trong nửa cuối năm 2025 và những năm tiếp theo.

Trong 6 tháng cuối năm 2025, SSI Reseach dự báo lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ dự kiến đạt 602 tỷ đồng (tăng 562% so với cùng kỳ). Đà tăng trưởng lợi nhuận có khả năng kéo dài sang năm 2026, nhờ áp dụng chính sách thuế GTGT mới cho nguyên năm.

Đối với Hóa chất Đức Giang, việc khấu trừ thuế GTGT không đóng góp nhiều vào lợi nhuận. Do đó, tăng trưởng lợi nhuận được dự báo ở mức khiêm tốn hơn, với lợi nhuận ròng dự kiến đạt 1,79 nghìn tỷ đồng (tăng 17% so với cùng kỳ) trong nửa cuối năm 2025 và 4,4 nghìn tỷ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ) trong năm 2026.