Từ ngày 1/8/2025, ngành Hải quan sẽ chính thức triển khai cơ chế thu thuế giá trị gia tăng (VAT) tự động đối với hàng hóa nhập khẩu giá trị thấp gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế. Đây là bước tiến quan trọng nhằm tăng cường quản lý thuế trong thương mại điện tử xuyên biên giới, giảm thủ tục hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hiệu quả hơn.

Trước đây, theo Quyết định 78/2010/QĐ-TTg, hàng hóa nhập khẩu qua chuyển phát nhanh có trị giá dưới 1 triệu đồng được miễn cả thuế nhập khẩu và thuế VAT. Tuy nhiên, chính sách này đã được Quốc hội yêu cầu chấm dứt từ đầu năm 2025. Thủ tướng Chính phủ sau đó ban hành Quyết định 01/2025/QĐ-TTg, chính thức xóa bỏ miễn VAT với hàng nhập khẩu giá trị thấp từ ngày 18/2/2025.

Việc miễn thuế nhập khẩu vẫn được duy trì theo quy định tại Nghị định 134/2016/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 18/2021/NĐ-CP).

Trong giai đoạn chuyển tiếp từ tháng 2 đến nay, việc thu thuế VAT vẫn được thực hiện thủ công, gây áp lực lớn cho cả cơ quan Hải quan lẫn doanh nghiệp. Để khắc phục, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 29/2025/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 9/7/2025, sửa đổi Thông tư 191/2015/TT-BTC và Thông tư 56/2019/TT-BTC, tạo cơ sở pháp lý và kỹ thuật để thu thuế tự động.

Thông tư cập nhật quy trình khai báo, phân luồng và tính thuế tự động, đồng thời tích hợp hệ thống thu thuế vào quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa chuyển phát nhanh.

Từ 1/8, thu VAT tự động với hàng nhập khẩu chuyển phát nhanh dưới 1 triệu đồng
Từ 1/8, hàng nhập khẩu giá trị thấp qua chuyển phát nhanh sẽ bị thu VAT tự động, thay cho cách thu thủ công áp dụng từ tháng 2/2025 đến nay.

Theo kế hoạch của Tổng cục Hải quan, giai đoạn thí điểm diễn ra từ ngày 9/7 đến 31/7 tại một số Chi cục Hải quan khu vực I, II, V và VI, áp dụng cho một số doanh nghiệp. Từ ngày 1/8, quy trình sẽ được áp dụng chính thức với tất cả doanh nghiệp chuyển phát nhanh, không phân biệt phương thức vận chuyển (đường hàng không, đường bộ, đường sắt...).

Ước tính, mỗi ngày có 4–5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ từ Trung Quốc được chuyển về Việt Nam qua các nền tảng TMĐT. Việc thu VAT với các đơn hàng này, nếu thực hiện hiệu quả, có thể giúp tăng thu ngân sách khoảng 2.700 tỷ đồng mỗi năm.

Riêng 6 tháng đầu năm 2025, các tổ chức và cá nhân kinh doanh online đã nộp khoảng 98.000 tỷ đồng tiền thuế, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2024. Theo dữ liệu từ 439 sàn thương mại điện tử, cả nước hiện có hơn 725.000 tổ chức và cá nhân hoạt động TMĐT, với tổng giá trị giao dịch vượt 75.000 tỷ đồng.

Việc triển khai thuế tự động không chỉ giúp hiện đại hóa quy trình quản lý thuế mà còn thể hiện quyết tâm của Bộ Tài chính trong cải cách hành chính và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển lành mạnh. Thông tư 29/2025/TT-BTC góp phần cân bằng giữa yêu cầu thu đúng, thu đủ với tạo thuận lợi thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí và thời gian trong thủ tục hải quan.