Bộ Công Thương chính thức áp thuế CBPG lên thép HRC Trung Quốc
Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 1958/QĐ-BCT ngày 4/7/2025 về việc không chấp nhận cam kết trong vụ việc điều tra áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm thép HRC có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc (mã vụ việc AD20).
Theo đó, Bộ Công Thương không chấp nhận cam kết của Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc (CISA) trong vụ việc AD20. Ngày 6/6/2025, Bộ Công Thương đã nhận được đề xuất cam kết của CISA đại diện cho 16 doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Trung Quốc.
Trên cơ sở đề xuất cam kết của CISA, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính (Cục Hải quan) và các bên liên quan cho ý kiến đối với đề xuất cam kết giá của CISA cũng như cơ chế kiểm soát, theo dõi giá tối thiểu và lượng nhập khẩu theo đề xuất của CISA.
Dựa vào cơ sở ý kiến của các bên liên quan và Bộ Tài chính, Bộ Công Thương xác định không chấp nhận đề xuất cam kết của CISA với các lý do: (1) Chỉ có bên đề nghị đã hợp tác đầy đủ trong giai đoạn điều tra mới được xem xét cam kết; (2) Lượng cam kết tối đa không có khả năng khắc phục được thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước; (3) Giá cam kết tối thiểu không có khả năng khắc phục được thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước; (4) Mức giá tham chiếu không công khai, gây khó khăn trong việc đối chiếu, theo dõi; (5) Chưa có cơ chế quản lý hiện tại của Cơ quan hải quan có thể giám sát hiệu quả việc thực hiện cam kết; (6) Việc áp dụng cam kết mà không có cơ chế quản lý giám sát có thể dẫn đến khả năng lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và (7) Việc áp dụng cam kết không có khả năng khắc phục được thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước.
![]() |
Bộ Công Thương chính thức áp thuế CBPG lên thép HRC Trung Quốc - Ảnh: Internet |
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 1959/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế CBPG chính thức đối với một số sản phẩm thép HRC có xuất xứ từ Trung Quốc, với mức thuế 23,1% - 27,83%. Thuế CBPG chính thức có hiệu lực từ ngày 6/7/2025, thời hạn áp dụng 5 năm kể từ ngày có hiệu lực.
Cùng đó, chấm dứt điều tra áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm thép HRC có xuất xứ từ Cộng hòa Ấn Độ.
Hàng hóa bị áp dụng thuế CBPG chính thức theo Quyết định là một số sản phẩm sắt hoặc thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng, cán nóng; độ dày từ 1,2mm đến 25,4mm; chiều rộng không quá 1.880mm; chưa được gia công quá mức cán nóng; đã tẩy gỉ hoặc không tẩy gỉ; không dát phủ, phủ, mạ hoặc tráng; có phủ dầu hoặc không phủ dầu; hàm lượng carbon nhỏ hơn hoặc bằng 0,3% tính theo khối lượng.
Các sản phẩm được loại trừ khỏi phạm vi áp dụng thuế CBPG chính thức là thép không gỉ hoặc các sản phẩm thép HRC dạng tấm thuộc một trong các mác thép được quy định theo Quyết định.
Tác động tích cực đến thị trường nội địa
Quyết định này của Bộ Công Thương được coi là một tín hiệu đáng mừng đối với ngành thép nước ta, bởi thép nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc từ lâu đã là một mối lo ngại lớn của doanh nghiệp thép nội địa.
Trước đó, vào ngày 26/7/2024, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra CBPG đối với thép HRC xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ. Sau đó ngày 21/2/2025, Bộ Công Thương đã chính thức áp thuế CBPG tạm thời với sản phẩm thép HRC có chiều rộng không quá 1.880mm, với mức thuế áp dụng từ 19,38% đến 27,83%, có hiệu lực trong 120 ngày. Đây là mức thuế khá cao so với các biện pháp phòng vệ thương mại trước đó của Việt Nam, cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của cơ quan quản lý trong việc ngăn chặn tình trạng thép Trung Quốc bán phá giá tràn vào thị trường nội địa.
Tuy nhiên, sau thời gian này, làn sóng thép nhập khẩu HRC vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và thậm chí vẫn tiếp tục tăng nóng, thể hiện rõ sự thâm nhập sâu rộng và lấn át áp đảo của thép Trung Quốc trên thị trường thép Việt Nam, đẩy ngành thép trong nước vào thế cạnh tranh ngày càng bất lợi.
Cụ thể, theo số liệu hải quan được Cục Phòng vệ Thương mại trích dẫn, năm 2024 ghi nhận lượng thép HRC nhập khẩu vào Việt Nam lên tới 12,6 triệu tấn, tăng 33% so với năm 2023. Trong đó, thép từ Trung Quốc chiếm hơn 65%, tạo ra áp lực rất lớn đối với ngành sản xuất trong nước. Mức giá thép nhập khẩu thấp hơn 15–20% so với giá thành sản xuất nội địa do được hưởng các chính sách trợ cấp và ưu đãi về xuất khẩu từ phía Trung Quốc.
![]() |
Nhập khẩu thép HRC của Việt Nam - Nguồn: Tác giả tổng hợp |
Đáng nói, từ sau tháng 2/2025, nhập khẩu mặt hàng thép HRC khổ 1.900mm - 2.000mm - mặt hàng không thuộc diện áp thuế CBPG - lại cho thấy xu hướng tăng mạnh, điều này càng làm dấy lên lo ngại về hành vi lẩn tránh thuế CBPG, cạnh tranh không lành mạnh.
Điển hình như trong tháng 5 vừa qua, sản lượng nhập khẩu thép HRC khổ rộng từ 1.900mm trở lên từ Trung Quốc ở mức 181.000 tấn, tăng hơn 25 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá nhập khẩu là 534 USD/tấn, giảm 6% so với tháng 5/2024.
Lũy kế 5 tháng đầu năm nay, sản lượng nhập khẩu lên tới 430.000 tấn, cao gấp 12 lần so với 5 tháng đầu năm 2024. Trong đó, loại thép khổ rộng 2.000mm chiếm 86,7%.
Biểu hiện của hành vi lẩn tránh thuế CBPG đã làm dấy lên lo ngại về sự suy giảm hiệu quả chính sách CBPG tạm thời đã được thiết lập trước đó để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
Chính vì vậy, động thái áp thuế CBPG chính thức đối với thép HRC Trung Quốc của Bộ Công Thương được coi là một giải pháp kịp thời và là bước đi mang tính quyết định để ngăn chặn làn sóng thép giá rẻ ồ ạt tràn vào Việt Nam. Quyết định này của Bộ Công Thương không chỉ giúp ổn định thị trường trong nước mà còn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nội địa phục hồi sau giai đoạn dài chịu áp lực từ thép nhập khẩu giá rẻ.
Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh hưởng lợi lớn
Hiện tại, Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh là hai doanh nghiệp duy nhất sản xuất được thép HRC tại nước ta, với năng lực khoảng 8,6 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu nội địa lên tới 12-13 triệu tấn/năm.
Giả định Hòa Phát và Formosa sản xuất tối đa công suất và chỉ bán HRC nội địa, không xuất khẩu, thì sản lượng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ HRC tại Việt Nam. Do đó, việc bù đắp lượng thép HRC thiếu hụt thông qua nhập khẩu là cần thiết, tuy nhiên, thép HRC Trung Quốc giá rẻ hơn đáng kể đã chiếm lĩnh thị phần nội địa, gây sức ép lớn lên ngành thép trong nước.
![]() |
Nhu cầu tiêu thụ thép HRC tại Việt Nam - Nguồn: Tác giả tổng hợp |
Chính vì vậy, với mức thuế CBPG lên tới gần 28%, thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ không còn “rẻ” như trước đây, qua đó làm giảm sản lượng thép nhập khẩu. Điều này sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn trên thị trường, mở đường cho doanh nghiệp tăng tiêu thụ nội địa, gia tăng thị phần.
Bên cạnh đó, thuế CBPG dự kiến sẽ thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Hòa Phát khi nhà máy Dung Quất 2 sắp đi vào hoạt động, dự kiến nâng công suất HRC từ hơn 3 triệu lên 6,8 triệu tấn/năm.
![]() |
Sản lượng thép HRC của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh - Nguồn: Tác giả tổng hợp |
Cùng đó, tập đoàn Xuân Thiện Nam Định (hiện là tỉnh Ninh Bình) mới đây cũng đã khởi công tổ hợp nhà máy thép xanh với vốn đầu tư gần 100.000 tỷ đồng. Khi đi vào hoạt động, tổ hợp dự án này dự kiến cung cấp khoảng 9,5 triệu tấn thép/năm, trong đó có đến 7,5 triệu tấn là thép HRC. Như vậy, kết hợp với sản lượng của hai ông lớn Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh, nguồn cung thép nội địa hoàn toàn có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ HRC trong nước, qua đó giảm phụ thuộc vào thép nhập khẩu và hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu.
Tuy vậy, trái ngược với triển vọng lạc quan của nhóm doanh nghiệp này, những doanh nghiệp tôn mạ phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu HRC nhập khẩu từ Trung Quốc như Tập đoàn Hoa Sen và Thép Nam Kim có thể gặp khó trong ngắn hạn. Việc tăng giá nguyên liệu đầu vào có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận, buộc các doanh nghiệp này phải tìm kiếm nguồn cung thay thế từ các quốc gia khác như Ấn Độ, Nhật Bản hoặc Hàn Quốc…