Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý dừng toàn bộ khoản vay từ Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) đối với dự án tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương), gồm hơn 155 triệu EUR vốn vay và 66,2 triệu EUR vốn ODA không hoàn lại.

Động thái này được đánh giá là một trong những thủ tục mang tính then chốt, nhằm giải tỏa vướng mắc kéo dài nhiều năm và mở đường cho kế hoạch khởi công các gói thầu chính của tuyến metro số 2 vào cuối năm 2025, theo đúng lộ trình mới.

UBND TP. HCM sẽ tiếp tục sử dụng phần vốn ODA không hoàn lại còn lại theo đúng quy định, đồng thời chịu trách nhiệm thanh toán phí cam kết và chi phí phát sinh (nếu có) do việc dừng vay, theo thông báo từ KfW.

Tuyến metro số 2 là trục xuyên tâm dài nhất trong quy hoạch đường sắt đô thị TP. HCM, với tổng chiều dài 48 km. Giai đoạn 1 (Bến Thành – Tham Lương, dài hơn 11 km) được khởi động từ 2010, ban đầu có tổng mức đầu tư 26.000 tỉ đồng và được điều chỉnh lên gần 47.900 tỉ vào năm 2019.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án nhiều lần vướng mắc về điều kiện vay vốn, tiến độ giải ngân và thủ tục hành chính. Do đó, TP. HCM đã thống nhất chuyển hướng sang sử dụng vốn ngân sách, đồng thời áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 188 của Quốc hội để rút ngắn thủ tục đầu tư.

Chính phủ đồng ý dừng khoản vay ưu đãi nước ngoài, metro số 2 TP. HCM tăng tốc về đích

Phối cảnh tuyến metro số 2 TP. HCM. Ảnh: MAUR

Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP. HCM, dự án đã hoàn tất 100% công tác giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật. Các khâu chuẩn bị khác như chọn tư vấn lập hồ sơ thiết kế, thẩm định báo cáo khả thi điều chỉnh cũng đang được đẩy nhanh.

Nếu các thủ tục diễn ra suôn sẻ, tuyến metro số 2 dự kiến khởi công vào cuối năm 2025 và đưa vào vận hành từ năm 2030. Đây là tuyến tàu ngầm đầu tiên đi qua nhiều quận trung tâm đông đúc của TP. HCM, được kỳ vọng sẽ giảm mạnh ùn tắc và áp lực giao thông khu vực nội đô.