Ngày 7/7, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà liên quan đến đề xuất, kiến nghị của Công ty TNHH Hòa Bình về áp dụng giải pháp công nghệ trong lĩnh vực xây dựng.

Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Công ty Hòa Bình nhằm hoàn thiện giải pháp kỹ thuật, tổng kết, đánh giá và xem xét áp dụng thực tế nếu đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, đồng thời bảo đảm an toàn chịu lực và ổn định công trình. Bộ Xây dựng khẩn trương dự thảo văn bản báo cáo Tổng Bí thư về kết quả xử lý đề xuất của Công ty TNHH Hòa Bình, gửi Phó Thủ tướng trước ngày 10/7.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị Công ty Hòa Bình phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ Xây dựng trong quá trình hoàn thiện giải pháp công nghệ, đồng thời rút kinh nghiệm trong việc báo cáo tới các cấp có thẩm quyền khi chưa có đầy đủ cơ sở khoa học, tính tin cậy và kết quả thử nghiệm thực tế.

Phó Thủ tướng chỉ đạo nóng về giải pháp công nghệ của ông Đường 'bia': Áp dụng trên 5.000km cao tốc, 6 triệu tỷ đồng được tiết kiệm?
Ảnh minh họa

Công ty Hòa Bình do ông Nguyễn Hữu Đường - thường gọi là đại gia Đường “bia” thành lập từ năm 1993. Doanh nghiệp sở hữu nhiều dự án bất động sản lớn, nổi bật là khách sạn dát vàng Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake.

Công nghệ giúp tiết kiệm 6 triệu tỷ đồng?

Trước đó, ngày 4/3/2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với Công ty Hòa Bình, đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ và các chuyên gia để trao đổi về việc xây dựng cao tốc cầu cạn, đường sắt đô thị trên cao bằng công nghệ cầu bản rỗng trên cọc bê tông cường độ cao (PRC) V+.

Theo Công ty Hòa Bình, PRC V+ sử dụng cọc bê tông ly tâm dự ứng lực kết hợp với tấm panel bản rỗng có sườn dự ứng lực, thay thế phương pháp đúc cọc, dầm bê tông tại chỗ. Với công nghệ mới này, các cấu kiện bê tông được sản xuất hàng loạt trong nhà máy, chuẩn hóa và lắp ráp tại công trường, giúp rút ngắn thời gian thi công, đồng thời bảo đảm chất lượng dầm, cọc và tiết kiệm chi phí đáng kể.

Công nghệ PRC V+ đã được áp dụng tại một số quốc gia như Trung Quốc, Đức, Malaysia, Indonesia và Đài Loan. Tại Việt Nam, từ tháng 2 - 6/2024, Hòa Bình Group đã tiến hành thử nghiệm xây dựng đoạn cao tốc cầu cạn 2 tầng tại khu phi thuế quan Xuân Cầu - Lạch Huyện (Hải Phòng). Đoạn thử nghiệm có tổng chiều dài tầng 1 khoảng 550m, tầng 2 khoảng 100m, rộng 10,5m, được thi công trong 2 tháng và đã qua kiểm định, thử tải đạt tiêu chuẩn thiết kế.

Phó Thủ tướng chỉ đạo nóng về giải pháp công nghệ của ông Đường 'bia': Áp dụng trên 5.000km cao tốc, 6 triệu tỷ đồng được tiết kiệm?
Một đoạn cao tốc cầu cạn 2 tầng được Công ty Hòa Bình xây dựng tại khu phi thuế quan Xuân Cầu - Lạch Huyện đã được thử tải thành công

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà nhận định công nghệ của Công ty Hòa Bình có những cải tiến phù hợp điều kiện Việt Nam. Tuy vậy, cần tiếp tục làm rõ các điểm mới, khả năng đáp ứng tiêu chí về an toàn, tuổi thọ công trình, chi phí đầu tư, tính khả thi triển khai thực tế cũng như phương án bảo trì, bảo dưỡng và bảo đảm yếu tố cảnh quan đô thị.

Tại tọa đàm "Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước" hồi tháng 4/2025, ông Đường "bia" cho biết, chi phí đầu tư xây dựng cầu cạn cao tốc do Hòa Bình đề xuất chỉ từ 12 - 13,7 triệu đồng/m2, rẻ hơn nhiều so với quy trình truyền phải sử dụng cát, đất đắp nền cao tốc qua vùng đất yếu. Uớc tính, trong vòng 3 năm tới, việc áp dụng công nghệ này của Công ty Hòa Bình cho 5.000km đường cao tốc có thể giúp tiết kiệm hơn 6 triệu tỷ đồng.