Trong bài viết “Không chủ quan với lạm phát”, PGS.TS Ngô Trí Long chỉ ra CPI 6 tháng đầu năm vẫn trong tầm kiểm soát với mức tăng 3,27%, song nhiều rủi ro lạm phát đang gia tăng, đặc biệt trong nửa cuối năm.

Một loạt yếu tố có thể đẩy giá cả leo thang trong thời gian tới. Trên thị trường thế giới, giá dầu Brent đã vượt 92 USD/thùng vào cuối tháng 6, và có thể chạm mốc 100 USD nếu xung đột ở Trung Đông hoặc Ukraine tiếp diễn. Trong nước, dự kiến giá điện sẽ được điều chỉnh từ tháng 10, cùng với việc tăng giá dịch vụ y tế theo lương cơ sở mới. Những yếu tố này có thể khiến CPI mỗi tháng tăng thêm từ 0,2 đến 0,3 điểm phần trăm.

Ngoài ra, chính sách lãi suất cao kéo dài của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) gây áp lực lên tỷ giá và chi phí nhập khẩu. Nếu VND mất giá mạnh hơn, nguy cơ “nhập khẩu lạm phát” sẽ tăng, đẩy giá hàng tiêu dùng và nguyên liệu đầu vào lên cao. Trong nước, nếu các gói kích cầu được tung ra mà không kiểm soát tốt cầu tiêu dùng, áp lực “nóng giá” dịp cuối năm sẽ càng lớn.

Trước bối cảnh đó, việc giữ CPI cả năm trong khoảng 4 - 4,5% sẽ đòi hỏi chiến lược điều hành thận trọng và truyền thông nhất quán. Về chính sách tiền tệ, cần giữ lãi suất ổn định nhưng sẵn sàng điều chỉnh nếu CPI vượt ngưỡng cho phép. Tín dụng phải được định hướng rõ ràng, ưu tiên sản xuất, xuất khẩu và hạ tầng – tránh chảy vào các lĩnh vực dễ gây rủi ro như bất động sản hoặc tiêu dùng không thiết yếu.

Điều hành giá các mặt hàng thiết yếu như điện, y tế, giáo dục cũng cần minh bạch và có lộ trình rõ ràng. Việc điều chỉnh giá nên tránh rơi vào các thời điểm cao điểm trong năm để không tạo hiệu ứng cộng hưởng. Các chính sách hỗ trợ – như giảm thuế VAT hoặc trợ giá cho nhóm thu nhập thấp – có thể giúp giảm tác động đến đời sống dân cư.

PGS.TS Ngô Trí Long cũng nhấn mạnh vai trò của truyền thông chính sách. Các cơ quan quản lý cần công khai sớm các kế hoạch điều chỉnh giá, giải thích rõ lý do và tác động dự kiến. Những thông điệp về kiểm soát lạm phát cần được lặp lại một cách thống nhất để củng cố niềm tin thị trường, tránh bị chi phối bởi tin đồn hoặc suy diễn sai lệch.

PGS.TS Ngô Trí Long: 'CPI có thể tăng thêm 0,2 - 0,3 điểm % mỗi tháng'
(Ảnh minh họa) Không chủ quan với lạm phát. Nguồn: Đại Biểu Nhân Dân.

Bên cạnh đó, cần chủ động tăng dự trữ hàng hóa, bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá tại các đô thị lớn, đẩy nhanh đầu tư công và nâng cấp hệ thống logistics. Quỹ bình ổn giá và kho dự trữ quốc gia cũng cần được kích hoạt để can thiệp kịp thời khi có biến động giá bất thường.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, kiểm soát lạm phát không chỉ là vấn đề công cụ – mà còn là bài toán về niềm tin. Khi chính sách được thực hiện một cách linh hoạt, công khai và minh bạch, thị trường sẽ phản ứng tích cực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và bảo vệ sức mua của người dân trong bối cảnh còn nhiều thách thức ở phía trước.

Trước đó, trong báo cáo tháng 3/2025, WB dự kiến lạm phát của Việt Nam tiếp tục ở mức 3,5% trong giai đoạn 2025-2026, thấp hơn mục tiêu 4,5-5% của năm 2025. IMF cập nhật trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (World Economic Outlook) dự kiến CPI Việt Nam tăng khoảng 3,5% trong năm 2025, giảm 0,6 điểm phần trăm so với năm 2024. Tại hội thảo “Diễn biến thị trường và giá cả 2024 – Dự báo 2025”, các chuyên gia dự báo CPI năm 2025 dao động trong khoảng 3–4,5%, với trung bình gần 3%, thấp hơn mục tiêu tối đa 4,5%.